Bộ trưởng Y tế Nachman Ash đã công bố quyết định tiêm liều thứ tư này trong một cuộc họp báo. Ông cho biết những người có hệ miễn dịch yếu sẽ được tiêm liều thứ tư trước.
Cụ thể, ở đợt tiêm tăng cường lần thứ hai này, những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng sẽ được tiêm.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi dữ liệu hằng ngày và sẽ xem xét liệu cần khuyến nghị tiêm liều thứ tư cho nhiều đối tượng khác hay không”. Về việc tiêm mũi thứ tư đại trà, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu khoa học để khẳng định độ hiệu quả.
Một người dân Israel được tiêm liều thứ 4 tại Trung tâm Y tế Sheba, thành phố Ramat Gan, Israel. Ảnh: REUTERS
Ông Ash cho biết: “Trước những điều chưa biết trên thế giới về hiệu quả của liều thứ tư, hiện tại chúng tôi đang hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm. Nếu chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu cho thấy bệnh nặng gia tăng trong nhóm dân số lớn tuổi thì chúng tôi sẽ đưa ra quyết định tiêm liều thứ tư. Thách thức đặt ra là phải tiêm sớm để bảo vệ kịp thời cho họ”.
Trước đó, hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế đã khuyến nghị rằng Israel nên tiêm mũi thứ 4 vaccine Pfizer cho nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi hoặc người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Thủ tướng Israel - ông Naftali Bennett cho biết: “Chiến lược của Israel để chiến thắng biến thể Omicron là rất rõ ràng: làn sóng lây nhiễm càng lớn thì chúng ta càng cần phải có biện pháp bảo vệ càng mạnh”.
Cũng trong ngày 30-12, Israel đã nhận được lô hàng thuốc viên trị COVID-19 đầu tiên là thuốc Paxlovid của Pfizer. Đây là thuốc có thể dùng tại nhà để ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng. Trước đó, những loại thuốc được cấp phép lưu hành ở nước này đều là thuốc tiêm.
Việc tiêm mũi thứ tư của Israel và các quốc gia khác, trong đó có Mỹ đang được theo dõi chặt chẽ và cũng đang được cân nhắc về thời điểm tiêm các liều bổ sung.