Theo tờ Nikkei Asia, trong cuộc điện đàm ngày 12-11 giữa ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden và lãnh đạo các nước đồng minh Mỹ quan trọng ở châu Á - Nhật, Hàn và Úc - ông Biden đã tái khẳng định nghĩa vụ bảo vệ Nhật của Mỹ theo đúng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, bao gồm quần đảo Senkaku.
Senkaku là quần đảo không có người sinh sống, hiện do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật quy định rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật nếu lãnh thổ nước này bị tấn công. Ảnh: KYODO
Điều 5 quy định rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật nếu lãnh thổ nước này bị xâm hại, được áp dụng đối với tỉnh Okinawa và chuỗi đảo không người ở Senkaku. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tuyên bố điều này.
Các quan chức chính phủ Nhật hoan nghênh chủ đề trong cuộc gọi đầu tiên của ông Biden giai đoạn hậu bầu cử này, tập trung chủ yếu vào hợp tác giữa các đồng minh, cụ thể là an ninh quần đảo Senkaku và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tờ Nikkei Asia nhận định đó có thể một tín hiệu từ phía Mỹ gửi đến phần còn lại của thế giới rằng nếu ông Biden đắc cử thì chính quyền của ông vẫn sẽ không nhún nhường phía Trung Quốc.
Phản ứng lại động thái đó, cùng ngày 12-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nói với các phóng viên rằng quần đảo Senkaku “là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.
Ông Uông cũng nói thêm rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là “sản phẩm của Chiến tranh Lạnh”, đồng thời nhấn mạnh “không nên làm suy giảm lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào, việc đó sẽ ít gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực hơn ".
Chỉ trong năm 2020, số ngày tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku là hơn 280 ngày đạt mốc kỷ lục, với nhiều lần đi vào vùng tiếp giáp và lãnh hải của Nhật Bản.
Hai bên Mỹ-Nhật cam kết tiếp tục phối hợp quan sát những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.