Chống dịch COVID-19: Lo ngại cuộc chiến khẩu trang

Một trong những khác biệt thấy rõ giữa phương Đông và phương Tây là quan điểm về đeo khẩu trang. Tại các nước châu Á, hầu hết người dân đều đeo khẩu trang vào mùa dịch, bất kể họ có là bệnh nhân hay không. Thậm chí, nhiều quốc gia đưa ra luật bắt buộc việc đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.

Từ kết quả lạc quan của Trung Quốc

Trong khi đó, tại các nước phương Tây, hầu hết người dân chỉ được khuyến cáo đeo khẩu trang khi có các triệu chứng nhiễm bệnh. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại Ý, sau đó ở Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ, người dân dường như vẫn không đeo khẩu trang.

Trước đại dịch COVID-19, nhu cầu khẩu trang chưa bao giờ là vấn đề lớn tại những quốc gia phương Tây. Chính vì thế, dự trữ khẩu trang ở các nước phương Tây luôn rất thấp; khẩu trang trở nên khan hiếm khi dịch lan rộng.

Một điều rất rõ ràng đó là mô hình chống dịch kiểu Trung Quốc (TQ) đang dần được các nước phương Tây tiếp cận, vốn nhấn mạnh vai trò của cách ly, phong tỏa và sử dụng khẩu trang. Khi các ổ dịch ở phương Tây bùng phát thì TQ đang tuyên truyền “chiến thắng” khi khống chế được dịch, giảm mạnh số ca nhiễm, tử vong từ tháng 3. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh tiến hành “ngoại giao khẩu trang” khi lần lượt hỗ trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho nhiều nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đến thăm nhà máy sản xuất khẩu trang tại Kolmi-Hopen ở Saint-Barthelemy-d’njou (phía Tây nước Pháp) hôm 31-3. Ảnh: AP

Đến thay đổi quan điểm của châu Âu…

Khi không có nhà nước châu Âu nào lên tiếng về nhu cầu khẩn cấp của Ý về thiết bị y tế khi dịch bùng phát, TQ đã cam kết gửi 2 triệu khẩu trang, 100.000 mặt nạ phòng độc, 20.000 bộ quần áo bảo hộ, 1.000 máy thở và 50.000 bộ xét nghiệm dịch. TQ cũng cử các đội y tế và gửi 250.000 khẩu trang đến Iran.

Tỉ phú Jack Ma của Tập đoàn Alibaba cũng hứa gửi cho mỗi nước trong tổng số 54 nước ở châu Phi 20.000 bộ xét nghiệm, 100.000 khẩu trang; gửi 1 triệu khẩu trang và 500.000 bộ xét nghiệm đến Mỹ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trong cuộc họp báo về COVID-19 đã yêu cầu người dân ở nước này phải đeo khẩu trang khi mua sắm tại các siêu thị để giảm nguy cơ lây nhiễm. “Khẩu trang được đặt ở trước các siêu thị. Người dân bắt buộc phải đeo khi vào siêu thị” - ông Kurz nói.

Tại Đức, hiện các bang cùng thỏa thuận với chính phủ chưa cần thiết buộc người dân đeo khẩu trang. Lý do chính là vì lượng khẩu trang hiện đang khan hiếm, vì vậy cần ưu tiên cho nhân viên y tế cũng như các ngành nghề cần thiết. Trước đây, nhiều tờ báo lớn ở Đức vẫn cho rằng việc đeo khẩu trang không có tác dụng với người chưa nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, hôm 2-4, tờ báo Tagesspiegel dẫn thông tin từ Viện Dịch tễ Robert Koch cho biết quan niệm về tác dụng của khẩu trang đã thay đổi. Theo đó, việc đeo khẩu trang có thể giảm bớt mức độ lây lan, truyền nhiễm của virus gây COVID-19. Điều này có giá trị cho cả người nhiễm lẫn chưa nhiễm bệnh.

Và cả Mỹ

Tại Mỹ, báo The New York Times dẫn một nghiên cứu được tiến hành tại thời điểm kết thúc dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) năm 2003 cho biết đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus đến 68%. Nếu kết hợp đầy đủ tất cả biện pháp, gồm rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, găng tay và mặc đồ bảo hộ thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chỉ còn 9%.

“Việc đeo khẩu trang có thể giúp giảm thiểu khả năng bị người bệnh lây nhiễm” - Giám đốc BV ĐH Pennsylvania (Mỹ) Neil Fishman nhận định. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang cũng giúp người đeo hạn chế việc chạm tay vào mặt mình, giảm được nguy cơ nhiễm virus tồn tại trên các bề mặt ngoài môi trường.

Báo The New York Times kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cập nhật tài liệu hướng dẫn tự phòng, chống COVID-19. Theo đó, cần bổ sung việc đeo khẩu trang vào danh sách các biện pháp cần thiết.

40 triệu khẩu trang là nhu cầu mà Pháp cần mỗi tuần trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết Pháp sẽ “hoàn toàn độc lập” trong sản xuất khẩu trang cùng các trang thiết bị y tế khác vào cuối năm nay. Trước đó, chính quyền Macron chịu nhiều chỉ trích vì tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, theo Fox News

Khả năng mâu thuẫn vì khẩu trang?

Nhu cầu mua khẩu trang từ các nước phương Tây ngày càng cao. Theo thống kê, số khẩu trang tính đến cuối tháng 3 của Mỹ chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu tại nước này. Tình trạng khan hiếm tương tự diễn ra tại nhiều nước châu Âu.

Trong khi đó, ngành công nghiệp khẩu trang đang hái ra tiền tại TQ. Trong hai tháng đầu năm nay, khoảng 8.950 nhà máy mới ở TQ đã tham gia vào hoạt động sản xuất khẩu trang khi cả nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu đều tăng cao. Theo số liệu chính thức của TQ, năng lực sản xuất khẩu trang ở nước này đã vượt mức 116 triệu chiếc mỗi ngày và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Vài ngày qua đã bắt đầu xuất hiện thông tin về việc mâu thuẫn giữa các nước khi đặt mua khẩu trang từ TQ. Tờ Fox News (Mỹ) và Der Spiegel (Đức) đồng loạt đưa tin một số quan chức Pháp cáo buộc Mỹ đã “hớt tay trên” một lô hàng khẩu trang mà Pháp đã đặt TQ trước bằng việc đưa ra giá cao hơn nhiều lần.

Ông Renaud Muselier, Chủ tịch vùng Paca kiêm Chủ tịch Hiệp hội các vùng của Pháp, phát biểu trên tờ RT (trụ sở Pháp) rằng sáng 2-4 (giờ địa phương), tại sân bay ở TQ, một đơn hàng của Pháp đã bị Mỹ mua lại bằng tiền mặt và chuyến bay dự định tới Pháp đã chuyển hướng bay sang Mỹ.

Tương tự, hãng tin Fox News dẫn lời Jean Rottner, Chủ tịch vùng Grand Est, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, xác nhận “Sự thật là ở sân bay (TQ), một số người Mỹ đã xuất hiện, dùng tiền mặt và trả cao hơn 3-4 lần so với giá gốc ban đầu chúng tôi thỏa thuận”.

Một quan chức Mỹ đã lên tiếng bác bỏ thông tin nước này “tranh giành đơn hàng” của Pháp. “Chính phủ Mỹ không hề mua bất cứ chiếc khẩu trang nào dự kiến chuyển từ TQ tới Pháp” - vị này nói với Fox News. Dẫu vậy, các quan chức Pháp vẫn cáo buộc việc cạnh tranh của Mỹ khiến quá trình cung ứng khẩu trang tới các khu vực chịu thiệt hại nặng vì dịch đang bị trì hoãn.

Lo ngại hàng Trung Quốc kém chất lượng

Dịch COVID-19 khiến nhiều nước phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ TQ, nhưng cùng lúc đó họ phát hiện ra nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Hà Lan tuần trước phải thu hồi 600.000 khẩu trang kém chất lượng, trong khi Tây Ban Nha đã trả lại hàng ngàn bộ xét nghiệm không đạt yêu cầu. Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và CH Czech đã lên tiếng nghi vấn về chất lượng vật tư y tế của TQ.

Tại Mỹ, RWJBarnabas Health, mạng lưới chăm sóc sức khỏe lớn nhất bang New Jersey (Mỹ), phát hiện một đơn hàng 500.000 khẩu trang y tế do một nhà sản xuất TQ cung ứng không có tác dụng y tế, bởi đó là khẩu trang dành cho nhân viên tiệm làm móng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm