Trang tin tiếng Anh của hãng thông tấn Iran FARS cuối ngày 21-3 (giờ Iran) cho biết trong 24 giờ trước đó, nước này phát hiện thêm 966 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 20.600.
Người tử vong vượt trên 1.500, người khỏi bệnh tăng lên
Trong khi đó, số người tử vong vì đại dịch COVID-19 là 1.556 người, với 123 ca tử vong được xác nhận hôm 21-3.
Thông tin từ Bộ Y tế Iran cho biết đã có 7.635 người đã được chữa khỏi COVID-19 và cho xuất viện. “Số người khỏi bệnh và được xuất viện đang tăng lên mỗi ngày” - người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết hôm 21-3.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt một người dân trên đường phố thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AAA
Thứ trưởng Y tế Iran Ali-Reza Raeisi thông tin rằng 28 triệu người dân Iran được kiểm tra y tế, trong đó có hơn 80.000 xét nghiệm COVID-19 đang được thực hiện. Theo ông Raeisi, việc này được xem là một trong các biện pháp ngăn ngừa sự bùng phát tiếp tục của đại dịch COVID-19.
1.200 trung tâm y tế đã hoạt động hết công suất trên toàn Iran và số lượng phòng thí nghiệm tiến hành các xét nghiệm cũng được mở thêm lên tới 55 cơ sở.
Ông Raeisi cho biết thêm đã phân bổ gần 40.000 giường trong các bệnh viện và hiện 50% trong số đó đang được dùng để phục vụ người nhiễm COVID-19, theo FARS. “Nếu tuân thủ các quy tắc vệ sinh, chúng ta sẽ sớm đánh đuổi đại dịch này trước giữa tháng 6” - ông Raeisi nhấn mạnh.
Trừng phạt của Mỹ khiến Iran gặp khó khi chống dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết phản ứng của Iran trong việc chống lại sự lây lan của dịch COVID-19 là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, WHO cũng nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là một thách thức lớn và Washington có thể sẽ khiến cho người tử vong vì đại dịch tại Iran tăng lên nếu không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, theo FARS.
WHO cũng đã xem xét các ưu tiên trong công tác chống đại dịch và Cộng hòa Hồi giáo Iran phải thực sự tuân thủ các quy định và ưu tiên từ WHO.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (bên trái) trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: FARS
Ngày 20-3 vừa qua, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh Mỹ nên gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lên Iran vì việc này sẽ tiếp tục khiến cho Iran gặp khó trong “cuộc chiến” chống COVID-19.
Về phần mình, ông Zarif đánh giá cao lập trường, sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc và nhấn mạnh Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt “tàn ác, vô nhân đạo, bất hợp pháp và đơn phương” đối với Iran.
Kênh truyền hình Al-Jazeera ngày 21-3 cũng cho biết Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng có những dòng Twitter kêu gọi các nước cùng đồng lòng chống dịch COVID-19.
"Tehran, Paris, London và Washington không cách xa nhau và khi hệ thống y tế Iran có sự cố cũng sẽ làm tê liệt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch này" - ông Rouhani viết. "COVID-19 là vấn đề của sự sống và cái chết. Chống lại nó là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia".
Ông Rouhani nhấn mạnh việc Mỹ sẽ không bao giờ đạt được mục đích nếu tiếp tục trừng phạt Iran. “Trong một bức thư gửi cho người dân Mỹ, tôi đã đề nghị họ phải yêu cầu lên chính phủ và Quốc hội của họ rằng con đường gây áp lực và trừng phạt hiện tại lên Iran sẽ không bao giờ thành công”.
Iran tiếp tục các biện pháp ngăn đại dịch
Mặc dù không có lệnh đóng cửa nhưng nhiều doanh nghiệp tại Iran vẫn thực hiện do lo ngại đại dịch COVID-19
Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Iran “phải thực hiện mọi cách” để phục hồi nền kinh tế trở lại bình thường và sẽ là “phản cách mạng” nếu đóng cửa sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh phải tìm mọi cách phục hồi nền kinh tế Iran. Ảnh: AFP
Ông Rouhani cho biết nước này đã cố gắng "cân bằng" giữa việc giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và duy trì sự ổn định kinh tế-xã hội của đất nước trong tương lai.
"Quốc gia của chúng ta đã cố gắng đạt được mục tiêu của mình, bất chấp những khó khăn. Iran sẽ vượt qua đại dịch COVID-19 bằng sự đoàn kết, thống nhất" - ông Rouhani nói.
Chính phủ Iran đã yêu cầu mọi người tránh tất cả chuyến du lịch trong kỳ nghỉ “Năm mới Ba Tư” (có tên gọi khác là “Nowruz"). Từ đầu tuần này, nhà chức trách yêu cầu đóng cửa các địa điểm hành hương tôn giáo nổi tiếng tại Iran.