Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 10-12 có chuyến thăm Mỹ. Từ những gì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với ông Lavrov trong cuộc gặp cùng ngày, có thể thấy Mỹ chủ trương nhường Nga về vấn đề Ukraine, đổi lại Mỹ muốn Nga ủng hộ mình trong chuyện Venezuela.
Thỏa thuận Minsk và ông Guaido
Họp báo chung sau cuộc gặp, ông Pompeo nói Mỹ đồng ý rằng giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nên bắt đầu “với việc tuân thủ Thỏa thuận Minsk”. Đây là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đi nhắc lại trong cuộc gặp các lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy (Nga-Pháp-Đức-Ukraine) tại Paris (Pháp) ngày 9-12.
“Chúng tôi muốn Thỏa thuận Minsk được tuân thủ. Chỉ cần đọc Thỏa thuận Minsk nói gì. Tại sao chúng ta cần phải hủy bỏ và viết lại thỏa thuận Minsk?” - Tổng thống Nga Putin nói tại cuộc gặp của Bộ tứ Normandy (Pháp-Đức-Nga-Ukraine) ở Paris ngày 9-12.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo chung ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 10-12. Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy thông qua vào ngày 12-2-2015 với các nội dung: Quân đội Ukraine và quân phe đối lập tiến hành ngừng bắn, rút các loại vũ khí hạng nặng; các lực lượng nước ngoài rời khỏi Ukraine; phóng thích tù nhân; hai vùng Donetsk và Lugansk tiến hành bầu cử lại; thay đổi Hiến pháp Ukraine theo hướng trao thêm nhiều quyền hơn cho các vùng thuộc miền Đông; khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền Đông.
Tuy nhiên, khi nói về tình hình chính trị Venezuela, ông Pompeo yêu cầu ông Lavrov ủng hộ “tổng thống lâm thời” Juan Guaido. Ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela từ đầu năm nay, bác bỏ việc thắng cử của ông Nicolas Maduro - người được Nga xem là tổng thống hợp pháp duy nhất của quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ông Lavrov trả lời Nga chủ trương để người dân Venezuela quyết định tương lai của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa, trái) đối thoại cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (giữa, phải) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 10-12. Ảnh: REUTERS
Ông Pompeo nhắc đến tình hình Syria, cho biết Mỹ “muốn đảm bảo Syria không bao giờ một lần nữa trở thành thiên đường ẩn náu của IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - PV) hay các nhóm khủng bố khác”.
Ông Lavrov gặp ông Trump, yêu cầu ngăn chặn khủng hoảng với Iran
Sau cuộc gặp với ông Pompeo, ông Lavrov đã có buổi hội kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.
Trao đổi với báo chí sau cuộc gặp, ông Lavrov nói phía Nga đã đề nghị Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và sẵn sàng cân nhắc mọi phương án. New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn có hiệu lực giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký năm 2010, yêu cầu hai nước cắt giảm một nửa số tên lửa hạt nhân chiến lược và hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược được phép triển khai xuống còn 1.550.
Ông Lavrov cũng đã nói đến mong muốn gia hạn hiệp ước New START trong cuộc họp báo với ông Pompeo trước đó, đồng thời thể hiện sự không hài lòng của Moscow với quyết định của Mỹ từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Hiệp ước kiểm soát vũ khí INF được hai nước ký năm 1987, cấm hai bên triển khai tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu.
Theo thông báo của Nhà Trắng sau cuộc gặp, ông Trump đã nhấn mạnh mình ủng hộ một hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn cầu có sự tham gia của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Nhà Trắng ngày 10-12. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO NGA
Trong cuộc gặp với ông Trump, ông Lavrov cũng nói về sự cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn leo thang căng thẳng ở vịnh Ba Tư.
“Hôm nay chúng tôi nói về thực tế cần thiết phải có các bước đi ngăn chặn khủng hoảng ở vịnh Ba Tư trầm trọng thêm và có các bước đi liên quan các vấn đề đã nảy sinh từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ được thiết kế để dàn xếp chương trình hạt nhân Iran”, ông Lavrov nói với báo chí sau cuộc gặp.
Gặp ông Pompeo trước đó, ông Lavrov cho rằng cần phải làm mọi thứ để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nhóm P5+1 (trong đó có Nga) đã ký với Iran hồi năm 2015. Tình hình tuân thủ thỏa thuận có chiều hướng xấu đi, đặc biệt từ phía Iran, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận từ năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.