Sáng 27-10 từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc tấn công ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria) tối trước đó.
Nhà Trắng ngày 27-10 công bố một số bức ảnh chụp Tổng thống Donald Trump và một số quan chức cấp cao chính phủ Trump đang quan sát lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiếp cận, tấn công địa điểm mà al-Baghdadi có mặt tối 26-10.
“Tổng thống Donald Trump quan sát lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiếp cận thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi” - Nhà Trắng chú thích các bức ảnh trên Twitter.
Bị nghi ngờ có “dàn dựng”
Vừa được công bố, các bức ảnh của Nhà Trắng nhanh chóng bị nhiều ý kiến nghi ngờ tính xác thực. Trong số này có nhiếp ảnh gia Pete Souza chuyên chụp ảnh cho Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama.
Trên Twitter, ông Souza viết: “Cuộc bố ráp, như đã đưa tin, xảy ra lúc 3 giờ 30 chiều giờ Washington. Bức ảnh, như thể hiện qua dữ liệu máy ảnh, được chụp vào lúc 17 giờ 5 phút 24 giây”, tức hơn 90 phút sau cuộc bố ráp.
Bức ảnh nội các Trump quan sát cuộc tấn công tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria tối 26-10. Ảnh: TWITTER
Phát ngôn của ông Souza kéo theo nhiều bình luận chỉ trích ông Trump. Có người nói ông Trump đang đánh golf thời điểm 3 giờ 30 ngày 26-10, tức trong thời điểm binh sĩ Mỹ đang bố ráp thủ lĩnh tối cao IS ở Syria. Có người còn phân tích cả sự không đối xứng của bức ảnh và đưa ra chi tiết các sợi dây nối mạng bị rút rời để nghi ngờ bức ảnh có sự dàn dựng.
Tuy nhiên, ngày 27-10, khi thông báo về việc tiêu diệt al-Baghdadi, ông Trump có nói: “Chúng tôi gần như tập trung lúc 5 giờ chiều hôm qua. Chúng tôi tập trung trên dưới 5 giờ. Cuộc tấn công bắt đầu sau đó”.
Sau đó ông Souza một lần nữa lên Twitter nói rõ ông không hề nói bức ảnh “bị dàn dựng”. Ông Souza dẫn lại lời Tổng thống Trump nói cuộc bố ráp bắt đầu lúc 5 giờ chiều thì “rõ ràng có thể bức ảnh được chụp trong quá trình cuộc bố ráp diễn ra”.
“Chỉ để nói rõ, tôi không nói bức ảnh bị dàn dựng. Bản thân ông Trump nói ông ấy không đến Phòng Tình huống cho tới khoảng 5 giờ chiều. Vì thế chắc chắn có khả năng bức ảnh được chụp trong quá trình cuộc bố ráp diễn ra”.
Khác gì bức ảnh chụp nội các Obama theo dõi bố ráp bin Laden?
Các bức ảnh Nhà Trắng vừa công bố gợi nhớ bức ảnh chụp nội các chính phủ tổng thống tiền nhiệm Obama quan sát cuộc tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Bỏ qua chuyện nghi ngờ tính xác thực, theo AP, các bức ảnh chụp nội các ông Trump theo dõi quá trình tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS và nội các ông Obama theo dõi quá trình tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda cho thấy sự khác nhau trong phong cách của hai vị tổng thống Mỹ.
Trong các bức ảnh vừa mới công bố, ông Trump ngồi giữa một số quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ như Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, tướng Marcus Evans - Phó Giám đốc phụ trách các chiến dịch đặc biệt và chống khủng bố tại Bộ Quốc phòng.
Bức ảnh nội các Trump quan sát cuộc tấn công tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria tối 26-10. Ảnh: TWITTER
Trong bức ảnh chụp nội các ông Trump, sáu người đàn ông hoặc mặc comple tối màu hoặc mặc quân phục, ngồi quanh một cái bàn và nhìn thẳng vào máy ảnh với biểu hiện nghiêm nghị.
Trong bức ảnh, ông Trump ngồi nghiêm nghị ở vị trí trung tâm. Theo hãng tin AP, từ các bức ảnh có thể thấy ý chí của ông Trump muốn thể hiện quyền lực và sức mạnh của chính phủ mình, đồng thời cũng cho thấy ông Trump chỉ tin tưởng một số ít cố vấn.
Bức ảnh chụp cảnh Tổng thống Obama ngồi cùng Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton và nhiều quan chức quan sát.
Trong khi đó, bức ảnh chụp nội các Obama tập trung tại Phòng Tình huống theo dõi biệt đội biệt kích hải quân SEAL Team 6 tấn công nơi ở của trùm khủng bố Osama bin Laden ở TP Abbottabad, thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan) hồi tháng 5-2011 mang lại cảm giác hoàn toàn khác.
Bức ảnh nội các Obama theo dõi biệt đội biệt kích hải quân SEAL Team 6 tấn công nơi ở của trùm khủng bố Osama bin Laden ở TP Abbottabad, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan) hồi tháng 5-2011. Ảnh: TWITTER
Cảm giác rõ ràng và đầu tiên mà bức ảnh chụp nội các Obama mang lại là sự không sắp đặt. Có 13 khuôn mặt trong bức ảnh nhưng có khuôn mặt được nhìn thấy hoàn toàn, có khuôn mặt chỉ được nhìn thấy một phần.
Ông Obama mặc một áo thun và một áo khoác nhẹ, ngồi trên một ghế xếp, hơi chồm về phía trước, không ở vị trí trung tâm. Ngoại trưởng Clinton - được xem là khuôn mặt đắt giá nhất trong bức ảnh - ngồi dùng một tay che miệng trong khi chăm chú theo dõi cuộc tấn công. Ngồi kế bên bà là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, hai tay khoanh trước ngực.
Ngồi gần ông Obama là tướng Marshall Webb, người đang phụ trách liên lạc với Đô đốc William McRaven - chỉ huy Seal lúc đó đang ở Afghanistan giám sát chiến dịch tấn công khu nhà ở của Osama bin Laden.
Phía cuối căn phòng Thứ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken có thể được nhìn thấy đang né Chánh Văn phòng Nhà Trắng Bill Daley để nhìn vào màn hình giám sát cuộc tấn công.
Theo AP, từ căn phòng đầy kín người này, dường như có thể thấy ông Obama có thiên hướng thích đón nhận nhiều ý kiến, đóng góp từ cấp dưới.