Tính đến 6 giờ sáng 13-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 292.366 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.336.623 ca nhiễm.
Như vậy, so với ngày 12-5, số ca tử vong tăng 4.342 người, số ca nhiễm tăng 54.885 người. Hiện đại dịch đã lan ra 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế giới đã có 1.594.079 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 52.757 người so với ngày 12-5.
Nhân viên y tế di chuyển trên đường phố TP New York, Mỹ ngày 23-4. Ảnh: AFP
Số người tử vong ở TP New York có thể cao hơn thực tế
Trang thống kê Worldometer đến sáng 13-5 (giờ Việt Nam) cho biết Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 22.205 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm ở đây lên 1.408.039. Số ca tử vong cũng tăng 1.571 người, lên 80.787.
Bang New York - vùng dịch nghiêm trọng nhất Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm mạnh (172 người chết trong 24 giờ qua), đưa tổng số người thiệt mạng ở đây lên 27.175. Số ca nhiễm ở New York hiện dừng ở 348.655, tăng 1.504 trường hợp trong 24 giờ qua.
Dù vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) khẳng định số ca tử vong do nhiễm COVID-19 trên thực tế tại TP New York có thể cao hơn khoảng 5.300 ca so với số liệu chính thức, theo hãng tin AP.
CDC cho biết trong giai đoạn từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, số nạn nhân thiệt mạng ở TP New York vào khoảng 24.000 người, chênh lệch khoảng 5.300 trường hợp so với dự đoán của các chuyên gia.
CDC cho rằng có thể thống kê chính thức không đầy đủ vì có nhiều người tử vong tại nhà nên nhà chức trách không thể xét nghiệm được là tử vong vì lý do gì.
Pháp tiếp tục cảnh báo tái thiết lập phong tỏa
Theo ghi nhận của trang thống kê Worldometer đến sáng 13-5 (giờ Việt Nam), Pháp trong 24 giờ qua lại thêm 802 ca nhiễm và 348 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm và số người chết ở nước này hiện lần lượt là 178.225 và 26.991.
Sau hơn một ngày nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc, điều trần trước Hạ viện ngày 12-5, chuyên gia Jean Castex - người dựng kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa đã cảnh báo chính phủ Pháp nên chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa, hãng tin Reuters cho biết.
Ông Castex nhấn mạnh nếu tình hình dịch diễn biến xấu, chính phủ không nên đợi tới ngày 2-6 - thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa - mới bắt đầu phản ứng.
Tuy nhiên, nếu tái phong tỏa thì chỉ áp dụng với các địa phương ghi nhận số lượng mắc bệnh cao bất thường.
Ngoài ra, nhà chức trách Pháp cùng ngày cũng đã ban lệnh cấm tiêu thụ đồ uống có cồn do người dân liên tục tụ tập để uống và vi phạm các quy định về giữ khoảng cách an toàn.
Singapore hủy nhiều hoạt động quân sự nước ngoài vì COVID-19
Theo trang thống kê Worldometer, Singapore đến sáng 13-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận thêm 884 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân ở đây lên 24.641. Số ca tử vong vẫn dừng ở 21.
Ngày 12-5, quân đội Singapore đã ra thông cáo tuyên bố hoãn một số cuộc tập trận quy mô lớn ở nước ngoài nhằm chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19, theo đài CNA.
Được biết trong số các cuộc tập trận bị hoãn có cuộc tập trận Wallaby quy mô lớn thường diễn ra tại khu vực huấn luyện Shoalwater Bay, bang Queensland, Úc. Dù vậy, thông cáo cũng khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Singapore và Úc vẫn được duy trì cao độ.
Theo Bộ Quốc phòng Singapore, một khi tình hình COVID-19 được cải thiện và trong tầm kiểm soát, nước này có thể tiếp tục nối lại các hoạt động huấn luyện quy mô nhỏ tại Úc và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn, giữ sức khỏe cho các binh sĩ tham gia.