Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 1-4

Tính đến 6 giờ 30 sáng 1-4, trang thống kê Wordometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 42.088 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 856.417 ca nhiễm.

Như vậy, so với ngày 31-3, số ca tử vong tăng 3.317 người, số ca nhiễm tăng 55.300 người. Hiện đại dịch đã lan ra 202 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, đến nay thế giới cũng có 177.023 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 4.704 người so với ngày 31-3.

Nhân viên y tế tại một khu vực cách ly ở bang New York, Mỹ ngày 31-3. Ảnh: REUTERS

Giám đốc bệnh viện từng tiếp xúc với Tổng thống Nga nhiễm COVID-19

Giám đốc một bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Moscow, người đã đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát bệnh viện này hồi tuần trước vừa có kết quả chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2, theo đài RT ngày 31-3.

Cụ thể, Tổng thống Putin thăm bệnh viện nói trên hôm 24-3 và đã nói chuyện với Giám đốc bệnh viện - ông Denis Protsenko. Trong cuộc trò chuyện hôm đó, cả Tổng thống Putin và BS Protsenko đều không mặc đồ bảo hộ phòng chống COVID-19.

Ông Protsenko cũng xác nhận trên trang Facebook cá nhân ông đã dương tính với virus gây dịch COVID-19 và đang tự cách ly trong phòng làm việc của mình. Dù bị bệnh, ông Protsenko chia sẻ cảm thấy ổn và vẫn tiếp tục công việc quản lý bệnh viện của ông.

Điện Kremlin mới đây cũng ra cho thông báo trấn an rằng Tổng thống Putin được xét nghiệm COVID-19 một cách đều đặn và đến nay chưa có gì bất thường. Nhà lãnh đạo Nga chưa có phát ngôn chính thức về vụ việc.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 27-3 văn phòng chính phủ Nga xác nhận một nhân viên dương tính với virus gây dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông  Dmitry Peskov - phát ngôn viên của ông Putin khẳng định người này chưa tiếp xúc với ông. 

Đến sáng 1-4, Nga ghi nhận 2.337 ca nhiễm COVID-19 với 17 trường hợp tử vong.

Cảnh báo kinh tế Mỹ có thể sụt giảm tới 34%

Hãng tin Bloomberg ngày 31-3 dẫn báo cáo mới nhất của tập đoàn tài chính Goldman Sachs cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ chìm vào suy thoái sâu hơn so với các dự đoán trước đó, khi dịch COVID-19 tác động mạnh đến các doanh nghiệp gây ra làn sóng thất nghiệp trên diện rộng.

Nhóm các chuyên gia kinh tế Goldman Sachs nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm 34% trong quý II-2020 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn hơn so với dự báo giảm 24% trước đó của nhóm.

Tỉ lệ thất nghiệp tính đến thời điểm giữa năm sẽ tăng vọt lên 15%, tăng so với mức 9% dự báo trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cũng kỳ vọng vào một sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong quý III, với GDP Mỹ tăng trưởng đến 19%.

Cùng ngày, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa thông báo hạ triển vọng khối nợ 6.600 tỉ USD của các doanh nghiệp Mỹ xuống mức tiêu cực, cho rằng một nền kinh tế bên bờ suy thoái vì dịch bệnh sẽ khiến tỉ lệ phá sản tăng vọt. 

Theo Moody's, các ngành "nhạy cảm nhất với nhu cầu và tâm lý tiêu dùng" sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những biện pháp giãn cách xã hội khiến các hoạt động kinh tế ngưng trệ như ngành hàng không, ô tô, du lịch.

Tính đến sáng 1-4, Mỹ ghi nhận 186.046 ca nhiễm COVID-19 với 3.807 người tử vong, vượt số người chết của Trung Quốc.

WHO: Dịch phải mất rất lâu mới kết thúc ở châu Á-Thái Bình Dương

Tờ The Guardian ngày 31-3 dẫn lời Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Takeshi Kasai cảnh báo dịch COVID-19 “còn lâu mới chấm dứt” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu chừng nào dịch vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn. 

"Cần làm rõ, dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hạn và chúng ta không thể lơ là. Chúng ta cần mọi quốc gia sẵn sàng cho trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn", ông Kasai nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, các nước có nguồn lực giới hạn là những nước nên lo ngại về tình hình dịch diễn biến xấu như các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Những nước này do điều kiện không có phải chuyển mẫu xét nghiệm tới các quốc gia khác để chẩn đoán nhưng hàng loạt lệnh cấm đi lại xuyên biên giới khiến việc này trở nên khó khăn hơn.

Đặc biệt, ông Kasai chia sẻ các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần càng không nên chủ quan vì virus có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của WHO khác tên Matthew Griffith cũng phát biểu không quốc gia nào có thể an toàn và virus gây dịch COVID-19 cuối cùng sẽ lan tới mọi ngóc ngách.

"Trong khi dữ liệu của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực này vẫn ổn định, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại những nơi mới và các ca nhập từ nước ngoài vẫn là điều đáng lo ngại", ông Griffith cảnh báo, viện dẫn các ca nhiễm mới của Singapore hay Hàn Quốc đều là từ du khách nước ngoài.

Kết luận, ông Griffith khẳng định trung tâm của dịch bệnh hiện nay đang là châu Âu, nhưng vẫn có khả năng dịch chuyển sang các khu vực khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm