Tính đến 6 giờ 30 sáng 16-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 6.446 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 162.671 ca nhiễm.
Như vậy, so với ngày 15-3, số ca tử vong tăng 638 người, số ca nhiễm tăng 9.294 người. Hiện đại dịch đã lan ra 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 75.559 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, không tăng so với ngày 15-3.
Nhân viên y tế thuộc đơn vị cách ly đặc biệt bệnh viện ở thị trấn Tygerberg, Nam Phi. (Ảnh chụp ngày 11-3). Ảnh: AFP
Ý diễn biến nghiêm trọng, số người chết kỷ lục trong một ngày
Hãng tin Sky News ngày 16-3 dẫn nguồn Cơ quan Dân sự Ý (CPD) ghi nhận nước này có tới thêm 368 người chết trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 1.809 người. Con số này cao hơn cả số người chết cao nhất trong một ngày ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh dịch (254 ca tử vong ghi nhận trong ngày 12-2).
Đáng chú ý, đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp quốc gia Nam Âu có số ca tử vong trên 200 người trong 24 giờ.
Vùng Lombardy (Bắc Ý) là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch với 1.218 ca tử vong, trong đó 252 bệnh nhân tử vong trong 24 giờ đều ở đây.
Ý đã bước sang ngày phong tỏa toàn quốc thứ sáu từ khi lệnh được Thủ tướng Giuseppe Conte ban bố vào ngày 9-3 nhằm chặn đà lây lan của chủng virus gây dịch COVID-19.
Tuy nhiên, số ca nhiễm ở Ý vẫn tiếp tục tăng nhanh trong vài ngày qua. Tính đến sáng 16-3, tổng số bệnh nhân dương tính ở nước này đã lên đến 24.747 trường hợp, cao thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Hiện tỉ lệ tử vong vì nhiễm virus ở Ý đang ở mức gần 8%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.
Tỉ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số Ý cao nhất châu Âu, với gần 1/4 dân số trên 65 tuổi. Đây cũng là nhóm có rủi ro tử vong cao nhất khi nhiễm COVID-19.
Tây Ban Nha tăng thêm 2.000 ca nhiễm, thêm ba nước bị Đức đóng cửa
Sáng ngày 16-3, Tây Ban Nha ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua đã tăng hơn 30%, khoảng 2.000 ca lên 7.753 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã tăng hơn 100 trường hợp lên 228 người, tờ New York Times cho hay.
Nước này hiện cũng là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau Ý.
Số ca tử vong, nhiễm mới tiếp tục tăng sau khi chính phủ Ý áp đặt lệnh phong tỏa đối với gần như toàn bộ đất nước, trong đó cấm người dân ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm, chăm sóc y tế hoặc mua thực phẩm.
Đức đóng cửa biên giới với Áo, Pháp, Thụy Sĩ
Ở Đức, giới chức nước này đã quyết định đóng cửa biên giới với ba nước Áo, Pháp và Thụy Sĩ trong nỗ lực hạn chế số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Theo đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến bốn bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với ba nước láng giềng phía tây nam bắt đầu từ sáng 16-3 (giờ địa phương).
Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông.
Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa.
Tính đến sáng ngày 16-3, Đức ghi nhận 4.585 ca nhiễm COVID-19 với chín trường hợp tử vong.
Hàn Quốc công bố tâm dịch Daegu là vùng thảm họa đặc biệt
Hãng tin Yonhap dẫn thông cáo từ Nhà Xanh ngày 15-3 cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố TP Daegu và ba khu vực thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang gồm TP Gyeongsan, quận Cheongdo và huyện Bonghwa là vùng thảm họa đặc biệt.
Đây là lần đầu tiên Seoul đưa một khu vực nhất định vào diện vùng thảm họa đặc biệt không vì lý do thảm họa tự nhiên. Trước đó, Daegu, Cheongdo và Gyeongsan được coi là vùng quản lý đặc biệt sau khi các khu vực này trở thành điểm nóng bùng phát dịch COVID-19.
Việc công bố vùng thảm họa đặc biệt cho phép chính phủ Hàn Quốc dành ngân sách quốc gia để hỗ trợ 50% chi phí bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đối với các địa phương này. Ngoài ra, động thái cũng cho phép những người bị ảnh hưởng được chính phủ hỗ trợ các chi phí sinh hoạt, được chi trả các hóa đơn và phí bảo hiểm y tế công.
Tính đến sáng 16-3, Hàn Quốc ghi nhận 8.162 ca nhiễm COVID-19 với 75 trường hợp tử vong.