Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 7-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ 25 phút sáng ngày 7-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gây ra là 3.455 (tăng 54 ca so với số liệu tối qua). Tổng số ca nhiễm là 100.720 ca. Có 55.191 ca chữa khỏi.

Trong đó, tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại Trung Quốc lần lượt là 3.042 và 80.552.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 406 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, Ý cao nhất với 197 ca, Iran xếp thứ hai với 124 ca, Hàn Quốc xếp thứ ba với 42 ca, Nhật Bản 12 ca (đã tính sáu ca trên du thuyền Diamond Princess neo tại nước này), Mỹ 14 ca, Pháp bảy ca, Tây Ban Nha ba ca, Anh hai ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Thụy Sĩ một ca, Hà Lan một ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Iraq hai ca, San Marino một ca và Philippines một ca.

Hiện đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của COVID-19.

Số ca nhiễm virus toàn cầu vượt 100.000, ông Trump trích 8,3 tỉ USD chống dịch 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6-3 đã ký dự luật chi tiêu khẩn cấp 8,3 tỉ USD cho việc chống dịch COVID-19 giữa lúc số ca nhiễm toàn cầu vượt 100.000.

Nhà Trắng hy vọng gói ngân sách này sẽ giúp xoa dịu mối lo ngại của người dân Mỹ và giúp họ có thêm niềm tin trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan ở nước này.

Gói ngân sách khẩn cấp bao gồm 7,8 tỉ USD cho các cơ sở y tế và 500 triệu USD cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể chăm sóc cho người cao tuổi tại nhà, bởi đây là nhóm đối tượng dễ nhiễm virus COVID-19, theo The New York Times.

Tổng số ca nhiễm toàn cầu vượt quá cột mốc 100.000 sau khi nhiều quốc gia công bố số ca nhiễm tăng đột biến, trong đó riêng Iran ghi nhận kỷ lục hơn 1.200 ca nhiễm virus COVID-19 trong ngày 6-3.

Trong số đó, theo Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), có 80.552 ca nhiễm tại Trung Quốc và Hàn Quốc xếp thứ hai với hơn 6.593 trường hợp. Tiếp theo là Iran với 4.747 ca bệnh và Ý với 4.636 ca bệnh.

Iran hạn chế đi lại khi COVID-19 có mặt ở toàn bộ 31 tỉnh

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour hôm 6-3 cho biết nước này ghi nhận thêm 1.234 ca nhiễm virus COVID-19, được biết là mức tăng kỷ lục trong những ngày qua.

Những trường hợp dương tính với virus COVID-19 mới được phát hiện có lẽ là những người nhiễm bệnh từ hai tuần trước và mới tới xét nghiệm khi có triệu chứng.

Số ca nhiễm virus Corona tại Iran đã lên tới 4.747. Ảnh: AFP

Ông Kianoush Jahanpour còn cảnh báo nước này có thể sử dụng "vũ lực" để hạn chế đi lại giữa các tỉnh, song không nêu rõ chi tiết về các biện pháp này. Tuy vậy, người phát ngôn cũng thừa nhận dịch COVID-19 đã có mặt trên toàn bộ 31 tỉnh của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Khoảng 8% nghị sĩ Iran đã có kết quả dương tính với virus COVID-19. Trong số đó, có ba người đã tử vong. Giới chức trách nước này đã thông báo các kế hoạch điều động 300.000 binh sĩ và tình nguyện viên để chống dịch bệnh bùng phát. 

Samsung chuyển dây chuyền hàng cao cấp sang Việt Nam vì dịch COVID-19

Tập đoàn mẹ Samsung Electronics vừa xác nhận sẽ tạm thời chuyển dây chuyền lắp ráp hai sản phẩm cao cấp Galaxy G20 và Z Flip tới Việt Nam, sau khi phát hiện sáu công nhân nhiễm COVID-19 tại nhà máy ở Hàn Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Samsung đã tạm thời đóng cửa nhà máy ở Gumi, nơi chỉ cách vùng dịch COVID-19 của Hàn Quốc là Daegu khoảng một tiếng lái xe, sau khi phát hiện thêm một công nhân nhiễm bệnh.

Tổng cộng kể từ cuối tháng 2, chỉ riêng nhà máy này đã có tới sáu công nhân nhiễm bệnh. Dự kiến nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động lại vào hôm nay (7-3). 

Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp xấu nhất, Samsung quyết định sẽ chuyển dây chuyền sản xuất "một số smartphone cao cấp" tới Việt Nam. Samsung không nói rõ các sản phẩm cao cấp này là gì nhưng nhà máy ở Gumi là nơi sản xuất Galaxy G20 và Z Flip - hai sản phẩm cao cấp Samsung hiện nay.

Samsung dự định sẽ sản xuất 200.000 chiếc điện thoại cấp cao mỗi tháng tại Việt Nam và đưa số điện thoại này về lại Hàn Quốc từ cuối tháng 3.

Số ca nhiễm mới ở Đức tăng đột biến

Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh liên bang của Đức, hôm 6-3 công bố thêm 134 người nhiễm virus COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 543.

Lothar Wieler (phải), Chủ tịch Viện Robert Koch, tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 2-3. Ảnh: AFP

Con số ca nhiễm mới ở Đức chỉ kém Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, chỉ chín 9 ca. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 6-3 đã công bố tổng cộng 143 ca nhiễm mới ở nước này.

Hơn một nửa số ca nhiễm mới do Viện Robert Koch công bố tập trung ở vùng phía tây của North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức.

Lây nhiễm cộng đồng bắt đầu bùng phát sau ca nhiễm không rõ nguồn gốc đầu tiên được phát hiện ở North Rhine-Westphalia ngày 24-2. Cho đến nay, Đức vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào vì nhiễm virus COVID-19.

Thái Lan ấn định giá khẩu trang chỉ gần 2.000 đồng/chiếc

Theo báo Bangkok Post ngày 6-3, Bộ Thương mại nước này đã lên tiếng cảnh báo với những người bán khẩu trang về việc giữ giá theo mức ấn định của nhà nước: 2,5 baht/chiếc (tương đương 1.800 đồng).

Những ai vi phạm sẽ đối mặt mức án tù lên đến năm năm và mức phạt tiền có thể lên đến 100.000 baht (khoảng 73,5 triệu đồng).

Đây là mức giá dành cho loại khẩu trang sản xuất ở Thái Lan vừa được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit thông qua. Mức giá này không tính cho các loại khẩu trang còn tồn kho và sẽ được áp dụng từ ngày 9-3.

Cục Nội thương (DIT) của Thái Lan sẽ kiểm soát 100% việc sản xuất 36 triệu khẩu trang mỗi tháng. Thái Lan hiện có 11 nhà máy sản xuất khẩu trang trên toàn quốc với khả năng sản xuất 1,2 triệu chiếc/ngày.

Theo dự tính, DIT sẽ chuyển 700.000 khẩu trang/ngày cho Bộ Y tế và các bệnh viện công lẫn tư; 500.000 còn lại sẽ bán ra ngoài theo hệ thống các cửa hàng hoặc điểm bán lẻ lưu động. DIT sẽ sử dụng 111 xe tải để chuyển khoảng 300.000 khẩu trang trong số đó đi khắp nước.

Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định nhu cầu về khẩu trang ở nước này đã tăng từ 30 triệu chiếc/tháng lên 40-50 triệu chiếc/tháng sau khi xuất hiện các ca nhiễm COVID-19. DIT sẽ ấn định hạn mức bán khẩu trang cho các cá nhân, những người bán trực tuyến và cửa hàng bán lẻ, trừ những cơ sở y tế. 

Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, các cơ sở sản xuất có phản ảnh việc mức giá thành hiện đã 3-4 baht/chiếc nhưng họ bị buộc bán cho DIT với mức giá 2 baht/chiếc.

Mỹ cách ly tiền giấy từng lưu hành ở châu Á

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã âm thầm "cách ly" những tờ bạc xanh từng lưu hành ở châu Á trước khi tái luân chuyển trong hệ thống tài chính của Mỹ như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus COVID-19.

Một phát ngôn viên của Fed đã xác nhận điều này với hãng tin Reuters vào ngày 6-3. Theo đó, các tờ tiền giấy Mỹ đã từng đi qua châu Á sẽ bị đưa vào một khu cách ly riêng từ 7 đến 10 ngày. Số tiền giấy này sau đó sẽ được xử lý và phân phối lại cho các tổ chức tài chính.

USD Mỹ đã qua lưu hành tại châu Á bị nhiều người nghi ngờ có chứa virus COVID-19 chết người. Ảnh: AP

Việc cách ly đã được bắt đầu từ ngày 21-2, tức chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành các động thái tương tự, thậm chí mạnh tay hơn là sau khi thu hồi là đốt luôn như thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết virus COVID-19 "có thể" được truyền từ người này qua người khác thông qua các bề mặt, nhưng tiếp xúc gần giữa người với người vẫn là con đường lây lan chính.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thận trọng hơn nhiều khi khuyên người tiêu dùng nên quẹt thẻ thay vì xài tiền mặt bất cứ khi nào có thể. Một nghiên cứu năm 2014 của ĐH New York cho thấy có tới 3.000 loại vi khuẩn trên một tờ tiền giấy đã qua tay nhiều người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm