Tổng thống Duterte đe dọa sẽ tuyên chiến với Canada trong bối cảnh tranh chấp lâu dài giữa hai nước về chất thải sinh hoạt của Canada đã đổ bất hợp pháp tại đảo quốc năm năm trước.
"Tôi muốn chuẩn bị một con tàu và có thể tôi sẽ gửi một cảnh báo đến Canada vào tuần tới. Họ nên kéo tất cả đống rác của họ về hoặc Philippines sẽ đổ chúng ngay tại Canada", đài RT dẫn lời ông Duterte cho biết ngày 23-4.
Từ trái sang: Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang nắm tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm ASEAN-Canada tại thủ đô Manila của Philippines năm 2017.
Ông Duterte còn nhấn mạnh chính quyền Ottawa chỉ xem Philippines là một "bãi rác" của Canada. "Chúng tôi sẽ tuyên chiến với họ. Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại Canada", nhà lãnh đạo Philippines nói.
Manila gần đây luôn chỉ trích Canada, cho rằng các nhà nhập khẩu tư nhân đã vận chuyển trái phép hàng tấn rác từ Canada đến Philippines trong vài năm. Tuy nhiên, Canada từ chối xử lý rác và biện minh cho việc chính quyền không có khả năng buộc các doanh nghiệp tư nhân vận chuyển rác về, theo hãng tin Sputnik.
"Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này và xin cam kết với ông Duterte rằng Canada đang cố gắng để giải quyết nó", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong chuyến thăm của ông tới Manila năm 2017.
Theo tổ chức môi trường EcoWaste, trong những năm 2013-2014, 103 container chứa rác thải sinh hoạt nặng tổng cộng khoảng 2500 tấn đã được vận chuyển tới Phillippines từ Vancouver ở tỉnh British Columbia bằng đường biển. Công ty tư nhân Chronic Plastics Inc báo cáo gian các lô hàng chất thải là phế liệu nhựa.
Ít nhất rác thải từ 26 container đã được chôn vùi tại một bãi rác ở Philippines. Tuy nhiên, các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.
Những người dân địa phương phàn nàn rằng mùi hôi thối bốc lên tới mức không thể chịu đựng được. Cục Hải quan Philippines đã xác nhận rằng trong các thùng chứa có túi nhựa bẩn, rác thải gia đình và cả tã người lớn đã qua sử dụng.
Theo một số chuyên gia, những container chất thải này đã vi phạm luật pháp quốc tế và làm trái với Công ước Basel. Hiệp ước được ký 30 năm trước nhằm ngăn cấm các nước vận chuyển rác thải nguy hại đến các nước phát triển mà không có sự đồng ý của chính phủ.