Các quan chức y tế thế giới hôm 3-3 cho biết tỉ lệ tử vong của COVID-19 là 3,4% trên toàn cầu, cao hơn so với ước tính trước đó khoảng 2%, theo kênh truyền hình CNBC.
“Trên toàn cầu khoảng 3,4% ca nhiễm COVID-19 đã tử vong” - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ). “So sánh tỉ lệ với bệnh cúm mùa (tỉ lệ tử vong ít hơn 1%) thì tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều”.
Một người dân mang khẩu trang đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán New York hôm 3-3. Ảnh: REUTERS
Tuần trước, WHO dự báo tỉ lệ tử vong của COVID-19 có thể khác nhau, dao động từ 0,7% đến 4% phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại những nơi điều trị.
Lúc đầu, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, các nhà khoa học đã kết luận tỉ lệ tử vong khoảng 2,3%.
COVID-19 không lây truyền bằng cúm
Tổng giám đốc WHO cũng nói rằng tổ chức này đang thu thập các dữ liệu nên những dự đoán và hiểu biết về dịch bệnh này đang ngày càng nhiều và được cải thiện hơn, theo hãng tin Reuters.
Hình ảnh dưới kính hiển vi mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 tại Mỹ với những đốt màu xanh lam là chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2). Ảnh: CDC
Ông Ghebreyesus đưa ra những giải thích sự khác nhau giữa COVID-19 và virus cúm thông thường, dù cả hai đều gây ra bệnh viêm đường hô hấp, lây lan rộng thông qua các giọt bắn từ mũi, miệng do người bệnh hắt hơi.
Ông Ghebreyesus nói COVID-19 không lây truyền cao như cúm. Theo những dữ liệu mà WHO thu được cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 (chưa bị bệnh) không phải là người lây truyền chính.
Chỉ 1% các ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc là "không có triệu chứng", tức là họ có bệnh mà không biểu hiện ra triệu chứng. Hầu hết các ca bệnh đó từ từ xuất hiện các triệu chứng trong vòng hai ngày.
Mặc dù hiện tại chưa có vaccine hay phương pháp điều trị cụ thể, ông Ghebreyesus nói rằng có hơn 20 loại vaccine đang được phát triển và thử nghiệm lâm sàng. Không giống như cúm mùa, việc kiểm soát dịch COVID-19 vẫn là một phương pháp hàng đầu ngăn chặn sự lây lan của virus.
Đảm bảo nguồn cung thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế
Cũng trong buổi họp báo hôm 3-3, người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Sẽ không thể ngăn chặn COVID-19 nếu không bảo vệ nhân viên y tế của chúng ta”.
Thêm đó, ông Ghebreyesus còn cảnh báo rằng tình trạng thiếu nguồn cung như găng tay, khẩu trang y tế, mặt nạ phòng độc và áo choàng đang khiến các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tuyến đầu khác gặp khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân đúng cách.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang dỡ những lô thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ Iran chống dịch COVID-19. Ảnh: WHO
Để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về thiết bị bảo hộ, WHO đang kêu gọi ngành công nghiệp và chính phủ các nước tăng cường sản xuất khoảng 40%. Thêm vào đó, ông Ghebreyesus kêu gọi: “Cần thiết phải có chuỗi cung ứng an toàn, nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và hành động quyết liệt ngăn chặn đầu cơ, tích trữ”.
WHO tính toán rằng sẽ cần khoảng 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu găng tay kiểm tra và 1,6 triệu kính bảo hộ mỗi tháng cho công tác chống dịch COVID-19 trong khi dịch bệnh này vẫn kéo dài. Hiện WHO đã cung cấp khoảng nửa triệu bộ thiết bị bảo vệ cho 47 quốc gia bị ảnh hưởng nhưng những nguồn cung cấp đang cạn dần, theo Reuters.