Bạn vừa thấy tin rao bán một ngôi nhà ở Ý chỉ với giá hơn 1 USD thật hấp dẫn? Vâng, chờ một chút và bạn có thể kiếm được một món còn hời hơn.
Hiện tại đang có một thị trấn của Ý sẵn sàng cho người nước ngoài 10.000 USD để chuyển đến sống ở đây. Một thị trấn khác thậm chí còn tuyên bố rằng họ sẽ trả cho những người mới đến hơn 1.000 USD cho mỗi đứa trẻ được sinh ra.
Những lời chào mời có vẻ quá hấp dẫn đối với nhiều người đang mơ ước thoát khỏi cuộc sống cạnh tranh khắc nghiệt chốn thành thị để tìm đến chốn điền viên tại một ngôi làng mộc mạc nước Ý.
Những lời mời này chính là những nỗ lực cuối cùng để giải cứu các cộng đồng đang chết dần của những thị trấn neo người nơi đây. Nhưng vấn đề khá phức tạp – Ý là một quốc gia mà các quy định về tài sản địa phương thường rất rắc rối và phức tạp.
Và tất nhiên, thái độ của người dân nơi đây đối với những người nước ngoài đôi khi rất mâu thuẫn, điển hình như sự thù địch về mặt chính trị đang gia tăng gần đây đối với người di cư kinh tế đến từ Châu Phi và Trung Đông.
Nước Ý muốn bạn: Trong một cuộc chiến để cứu các cộng đồng đang hấp hối của mình, nhiều thị trấn nhỏ trên khắp nước Ý, như thị trấn Borgomezzavalle trong hình, đang khuyến khích người nước ngoài chuyển đến đó sinh sống.
Những lo ngại trên có thể hoàn toàn bị dập tắt bởi lời đề nghị gần đây nhất của Giovanni Bruno Mattiet, thị trưởng của ngôi làng nhỏ bé Locana, ở vùng Piemont, vùng núi phía tây bắc Ý, giáp với Pháp và Thụy Sĩ.
Ông sẵn sàng trả tới 9.000 euro, tương đương 10.200 USD, trong ba năm cho các gia đình sẵn sàng chuyển đến và sinh sống giữa những đỉnh núi tuyết và những cánh đồng cỏ đầy hoa, miễn là họ có một đứa con cùng mức lương tối thiểu hàng năm là 6.000 euro.
"Dân số của chúng tôi đã giảm từ 7.000 cư dân vào đầu những năm 1900 xuống chỉ còn 1.500 khi mọi người rời đi để tìm việc tại các nhà máy lớn ở Torino", Mattiet nói với CNN Travel. "Trường học của chúng tôi mỗi năm phải đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động do có quá ít học sinh. Tôi không thể cho phép điều này xảy ra."
Những thị trấn ma
Ở Locana mỗi năm có 40 trường hợp tử vong so với chỉ 10 ca sinh ra. Đó là một bức tranh phổ biến trên khắp nước Ý, khi mà trong 30 năm qua, một trong bốn cộng đồng nhỏ đã trở thành thị trấn ma. Hiện có 139 ngôi làng với ít hơn 150 cư dân.
Và mặc dù lời đề nghị ban đầu của Mattiet chỉ dành cho người Ý hoặc người nước ngoài đang sống ở Ý, nhưng giờ ông quá tuyệt vọng trong việc cứu sống thị trấn của mình đến nỗi ông đã mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người ngoại quốc sống bên ngoài Ý.
"Chúng tôi đang tìm cách thu hút chủ yếu những người trẻ tuổi và các chuyên gia làm việc từ xa hoặc sẵn lòng bắt đầu một công việc ở đây", ông nói. "Có hàng chục cửa hàng, quán bar, nhà hàng và cửa hàng bị đóng cửa đang chờ người mới đến điều hành."
Thị trưởng của Borgomezzavalle nói rằng thị trấn của ông sẽ trả tiền cho mọi người để sinh con. Nguồn: Roberto Bianchetti / Comune Borgomezzavalle
Thị trấn có thể nhỏ nhưng giàu có, nhờ năng lượng thủy điện sạch mà nó bán cho nhà nước Ý.
Với một vị trí tuyệt vời, lãnh thổ của Locana trải rộng trên 132 km2 trong khu bảo tồn núi Gran Paradiso, cung cấp không khí trong lành và các hoạt động ngoài trời như câu cá, trượt băng, đi trekking, leo núi, bơi lội, bóng đá và tennis.
Những ngôi nhà đẹp như tranh vẽ được làm bằng đá và gỗ với mái ngói nhọn đặc trưng cùng những bức tường được trang trí bằng hoa. Những cây cầu cổ bắc qua dòng suối trong vắt nên thơ.
Trên nền thung lũng điểm xuyết những khu rừng hạt dẻ, những ngôi nhà nguyện biệt lập, những khu nhà nghỉ bỏ hoang, trang trại bò sữa, những nhà máy và mỏ đồng. Tất cả đều cần được cải tạo. Có hai ngôi làng bé xíu chỉ có thể đi bộ đến bằng những con đường mòn được bao phủ bởi những cây anh đào mọc um tùm.
"Locana cung cấp một cuộc sống chất lượng cao, thực phẩm hảo hạng và các hội chợ văn hóa dân gian quanh năm", Mattiet nói.
Khuyến khích trẻ em
Locana không phải là thị trấn duy nhất ở Piedmont cần sự tái sinh. Xa hơn một chút về phía bắc, ở biên giới Thụy Sĩ, thị trưởng của thị trấn Borgomezzavalle đang thực hiện những chính sách mà ông hy vọng sẽ thành công.
Để hồi sinh một lượng dân cư bị thu hẹp chỉ còn 320 người, Alberto Preioni không chỉ bán những ngôi nhà bỏ hoang trên núi chỉ với 1 euro (hơn 1 USD) mà ông còn trả tiền cho tất cả những người mới đến đây xây dựng gia đình.
"Thị trấn này được tạo ra vào năm 2016 với việc hợp nhất hai ngôi làng lân cận đang biến mất", ông nói với CNN Travel. "Chúng tôi có rất nhiều tiền để đầu tư nhưng chúng tôi cần trẻ em và thanh thiếu niên.
"Đó là lý do tại sao tôi thưởng 1.000 euro cho mỗi trẻ sơ sinh và 2.000 euro cho bất kỳ ai sẵn sàng mở doanh nghiệp và đăng ký VAT."
Thuế ở địa phương rất thấp và Preioni cũng hứa hẹn cung cấp giao thông công cộng miễn phí cho tất cả học sinh. Thậm chí cho cả người không cư trú ở đây.
Borgomezzavalle- có nghĩa là "thị trấn giữa thung lũng" - bị mắc kẹt trong hẻm núi, nhưng có ánh sáng mặt trời cả ngày nhờ một chiếc gương lớn đặt trên sườn đồi đối diện phản chiếu ánh sáng.
Những ngôi nhà rực rỡ sắc màu với mái tranh, được chạm khắc bên sườn núi, tập trung xung quanh những quảng trường sạch sẽ được trang trí với những băng ghế gỗ và chậu hoa.
Thị trấn Borgomezzavalle nằm gần biên giới của Ý với Thụy Sĩ. Nguồn: Roberto Bianchetti/Comune Borgomezzavalle
Những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ hẹp dẫn đến những cổng vòm được trang trí bởi những bức vẽ, những cây cột trang trí cùng những cung điện xa hoa có những căn phòng mở ra vườn.
Những ngôi nhà được bán với giá 1 euro bao gồm nhà gỗ và đá đã đổ nát, chuồng trại, chuồng ngựa và nhà ở cũ của nông dân và nghệ nhân. Yêu cầu duy nhất là chủ sở hữu mới phải cam kết tân trang lại nhà trong vòng hai năm.
"Tôi mời bất cứ ai quan tâm đến xem nơi này yên bình như thế nào, thiên nhiên nguyên sơ của chúng tôi sẽ giúp bạn thoát khỏi đám đông điên cuồng ngoài kia", Preioni, người cũng đang phục hồi những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang để sử dụng cho những người làm nông sau này, ông nói.
Borgomezzavalle và Locana chỉ là hai thị trấn mới vừa gia nhập đội ngũ một loạt các thị trấn ở Ý bán các tài sản đổ nát rẻ như cho cho người nước ngoài hoặc trả tiền để họ chuyển đến sống (và nhớ là, việc này phục vụ mục đích định cư lâu dài ở đây chứ không phải dùng như nhà ở mùa hè).
Thuế cực thấp, chất lượng cuộc sống tuyệt vời, dịch vụ và giá thuê nhà rẻ đã hồi sinh thành công những thị trấn ma thành nơi an cư cho người nước ngoài về hưu.
Ở các thị trấn vùng Sicilia như Partanna, Caltabellotta, Giuliana, Siculiana và Cianciana, thuê một căn hộ 50 mét vuông chỉ 150 euro mỗi tháng, trong khi bữa sáng tại quán bar với các món bánh ngọt đặc sản địa phương chỉ 2 euro.
Cách này có hiệu quả không?
Nếu tất cả điều này nghe có vẻ quá tốt để thành hiện thực- thì đúng là như vậy và cũng không phải vậy.
Andrea Ungari, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học LUISS hàng đầu của Rome, nói rằng hỗ trợ các cộng đồng địa phương bằng cách thu hút dòng người nước ngoài sẽ không giải quyết được các vấn đề lúc đầu đã khiến mọi người bỏ thị trấn ra đi.
"Cách này sẽ hiệu quả trong ngắn hạn, khi mà người nước ngoài yêu thích vẻ đẹp của nước Ý và khao khát một kỳ nghỉ bất tận ở một nơi đầy nắng", ông nói. "Nhưng về lâu về dài, họ sẽ cần cơ sở hạ tầng được nâng cấp, bệnh viện tốt và trong phạm vi gần, dịch vụ hiệu quả, đặc biệt là đối với người về hưu.
"Bạn cần một kế hoạch dài hạn để phát triển địa phương và giữ mọi người ở lại."
Một giải pháp khả dĩ là đưa những người di cư trốn chạy khỏi Châu Phi hoặc Trung Đông và tìm đến Ý trên những chiếc thuyền vượt biển Địa Trung Hải, đến ở tại các thị trấn đang hấp hối này. Thật vậy, đã có một số người đến sống ở những nơi như Riace, ở vùng tây nam Calabria hoặc Val Camonica ở phía bắc vùng Bologna.
Với bầu không khí chính trị hiện nay tại Ý, đây là một chiến lược khó có thể thực hiện. Chính phủ liên minh mới của đất nước, đặc biệt là đảng Liên minh dân túy của Phó Thủ tướng Matteo Salvini, đã lên tiếng chống lại việc cho những người di cư sống ở các ngôi làng Ý.
Tại hai thị trấn đang phải đối diện với sự thu hẹp dân số- Ollolai và Candela - các lời đề nghị nhắm đến người nước ngoài có thu nhập tốt dường như đang đem lại kết quả tốt.
Candela, ở miền nam Puglia, đã tặng đến 2.000 euro cho những người chuyển đến sống cùng với các khoản tín dụng thuế. Bây giờ thị trấn tự hào có một tá cư dân mới ở mọi lứa tuổi, quốc tịch và ngành nghề, cựu thị trưởng Nicola Gatta nói.
Chỉ trong hơn một năm, Ollolai, trên đảo Sardinia, đã bán được vài chục ngôi nhà 1 euro và sau đó được tân trang lại. Sáu căn hiện đang được tân trang trong khi 20 căn khác sẽ sớm được bàn giao cho chủ sở hữu mới.
Những người nước ngoài mới đến chủ yếu là những chuyên gia trẻ tuổi làm việc từ xa hoặc người về hưu, nhưng cũng có những người Ý tìm về quê hương của mình.
"Chúng tôi không ngờ mọi chuyện lại thành công như vậy, khi mà những người đến từ châu Âu, Mỹ, Brazil và Úc đã trở thành hàng xóm mới của mình", phó thị trưởng của Ollolai, Michele Cadeddu nói.
Nhà thiết kế thời trang Marije Graafsma, người đã bán căn nhà ở vùng cực bắc xa xôi nhất của Hà Lan để di dời đến Ollolai cùng với bạn đời của mình, rất phấn khởi về lần dọn nhà này.
"Thật tuyệt, tôi rất hạnh phúc," cô nói. "Chúng tôi gần như đã hoàn tất việc tái cấu trúc ngôi nhà xinh xắn của chúng tôi với hướng nhìn tuyệt vời ra thiên nhiên hoang sơ của Sardinia. Chúng tôi rất háo hức để ổn định cuộc sống tại đây.
"Ở Hà Lan, mọi người luôn vội vã, họ không nói nhiều. Ở đây mọi người thể hiện thái độ chào đón, rất thân thiện, bạn được mời uống cà phê và được chiêu đãi các món ăn. Chúng tôi cảm thấy như là một phần của một gia đình lớn."
Những lời chào mời trống rỗng
Khi mà một vài thị trấn áp dụng cách tương tự lại không thành công do những trở ngại thực sự, những chính sách chào mời từ các thị trấn khác hóa ra chỉ là chiêu trò hoặc quá phức tạp để duy trì.
Bormida, ở vùng Liguria phía tây bắc giáp với Pháp, đã dẹp bỏ đề nghị trả tiền cho mọi người để chuyển đến đó khi thị trưởng của thị trấn này thừa nhận ông ta chỉ muốn thu hút sự chú ý.
Montieri ở Tuscany ban đầu quảng cáo những ngôi nhà 1 euro nhưng sau đó đã đưa chúng ra thị trường với mức giá từ 20.000 euro.
Các thị trưởng của Carrega Ligure ở Piedmont và Lecce nei Marsi ở trung tâm Abruzzo đã cố gắng hết sức để đạt được thỏa thuận nhưng bị cản trở bởi tệ quan liêu, những quy định hạn chế về tài sản của Ý và cả tranh cãi giữa những thành viên trong gia đình chủ sở hữu cũ của ngôi nhà.
"Không thể truy tìm và thuyết phục tất cả các chủ sở hữu ban đầu của những ngôi nhà đổ nát, những người mà hầu hết đã di cư từ thập niên 1940, Guido Gozzano", cựu thị trưởng của Carrega Ligure nói. Vị này cho biết thêm "ngay cả khi làm như vậy, chính phủ cũng sẽ không cho phép chúng tôi tự quyết định số phận những mảnh đất có nhà trên đó."
Thị trấn Ollolai, trên đảo Sardinia, đã bán được vài chục căn nhà với giá 1 euro. Nguồn: Courtesy Sardegna Live/Roberto Tangianu