Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 60 nhóm độc lập ở khoảng hơn chục nước đang tham gia phát triển vaccine. Trong số này, ngoài một số tập đoàn dược lớn còn có các công ty công nghệ sinh học và các viện nghiên cứu y học thuộc chính phủ lẫn viện nghiên cứu tư nhân. Tuy nhiên, trong hơn ba tháng nay thì vaccine ngừa dịch vẫn chưa xuất hiện. Liệu công tác nghiên cứu và phát triển đang gặp thách thức gì?
Thách thức đầu tiên là tiền đâu?
Trả lời phỏng vấn của tờ The Times (Anh), GS Sarah Gilbert tại ĐH Oxford (Anh) khẳng định trong tất cả nhóm nghiên cứu vaccine trên thế giới thì nhóm của bà đang tiến triển nhanh nhất và khả năng lớn sẽ có thể hợp tác với một tập đoàn dược để sản xuất vaccine đại trà vào mùa thu năm 2020. Mốc thời gian này của GS Gilbert sớm hơn một năm so với thời gian mà nhiều hãng dược lớn - như GlaxoSmithKline - dự đoán trước đó.
Dù vậy, quá trình nghiên cứu của chuyên gia này và các đồng nghiệp vẫn đang đối mặt với vô số thách thức. Ngoài các khó khăn về mặt kỹ thuật, trở ngại lớn nhất cho công tác bào chế vaccine là tiền, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Được biết nhóm của GS Sarah Gilbert bắt đầu công việc nghiên cứu vaccine với khoảng 623.000 USD do Hội đồng Khoa học tự nhiên và công nghệ thuộc chính phủ Anh hỗ trợ.
GS Gilbert tính toán phải cần ít nhất 123 triệu USD từ nay đến tháng 6 để cho ra vaccine đúng hạn. Dù thế, bà thừa nhận chỉ dám “lạc quan, chứ không tự tin” rằng số tiền mà nhóm của bà cần sẽ đến đúng lúc, thậm chí không biết nó có đến hay không.
Một chuyên viên điều chế vaccine tại Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ). (Ảnh chụp ngày 27-3) Ảnh: AFP
Trước khó khăn trên, bên cạnh chuyên môn nghiên cứu vaccine, GS Gilbert gần đây cũng phải bỏ nhiều thời gian tìm kiếm đối tác và quỹ tài trợ. Tuy nhiên, tình hình đến nay không khả quan khi các quỹ hỗ trợ đang bị kéo căng vì quá nhiều nhóm xin tài trợ, còn chính phủ Anh đang phải tập trung giải quyết việc thiếu trang thiết bị y tế.
Theo GS Stanley Plotkin tại Viện Nghiên cứu vaccine Wistar (Mỹ), nhiều công ty công nghệ sinh học nếu không được hỗ trợ tài chính thì không thể trụ qua giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Đơn cử, nhóm nghiên cứu Trường Y Baylor (Mỹ) hồi năm 2016 phải bỏ ngang việc bào chế vaccine ngừa virus gây dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) do không đủ tiền thử nghiệm trên người. Hiện nhóm đang khôi phục nghiên cứu với hy vọng vaccine này có thể dùng cho cả virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 do hai virus có cấu trúc gen giống tới 80%.
Tỉ phú Mỹ Bill Gates ngày 12-4 đã lên tiếng kêu gọi các nước G20 tăng cường hỗ trợ tài chính và đẩy mạnh công cuộc phát triển vaccine, khẳng định việc đại dịch COVID-19 bao trùm toàn thế giới chỉ là vấn đề thời gian. |
Quá tốn kém, quá rủi ro
Khó khăn về tài chính của nhóm nghiên cứu ĐH Oxford đang gặp phải cho thấy rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa nguồn lực và động cơ của việc phát triển vaccine. Cụ thể, các tập đoàn dược có đủ tiền để phát triển vaccine lại thiếu động cơ do bán vaccine lợi nhuận không cao bằng các loại thuốc điều trị các chứng bệnh mạn tính như tiểu đường hay cholesterol cao. Trong khi đó, các nhóm nghiên cứu muốn sản xuất lại không đủ tiền.
GS Ian Frazer tại ĐH Queensland (Úc) khẳng định các hãng dược lớn thường không còn các bộ phận nghiên cứu nữa khi chi phí tự nghiên cứu phát triển cao gấp ba lần phí mua bản quyền thuốc từ các tổ chức nghiên cứu khác. Yêu cầu sản xuất vaccine quy mô lớn đồng nghĩa với việc các viện nghiên cứu và các công ty công nghệ sinh học nhỏ cuối cùng phải bắt tay với các hãng dược lớn để có thể làm được điều này.
“Chừng nào mô hình này chưa được điều chỉnh theo cơ chế kinh tế, việc phát triển các phương pháp điều trị và vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm sẽ còn tiếp tục bị cản trở” - Phó Giám đốc Chương trình Các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh tại ĐH Duke-NUS (Singapore) Ooi Eng Oong cho biết.
Ngoài yêu cầu vốn cao, việc phát triển vaccine từ góc độ kinh doanh còn quá rủi ro. Lâu nay, các đợt dịch bệnh truyền nhiễm thường bị kiềm chế trước khi vaccine sản xuất kịp. Do vậy, việc phát triển một loại vaccine không được chú trọng nếu dịch không bùng phát thành khủng hoảng y tế công cộng.
Trong khi đó, khi một loại vaccine tiềm năng sau được bào chế thành công còn phải đi qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các tập đoàn dược đa quốc gia như Pfizer, GSK và Johnson & Johnson cho biết phải mất 1-2 tỉ USD trong ít nhất 5-10 năm để vaccine đủ hoàn thiện...
Vẫn còn hy vọng cho điều chế vaccine GS Ian Frazer cảnh báo nếu không giải quyết được yêu cầu tài chính của các nhóm nghiên cứu vaccine - thuốc thì thế giới đã thất bại trong chuẩn bị đối phó với các dịch bệnh trong tương lai. Dù vậy vẫn còn hy vọng. Năm 2016, chính phủ Na Uy cùng nhiều tổ chức đã thành lập Quỹ Liên minh đổi mới sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI) để tài trợ cho các tổ chức đang gặp khó khăn tài chính để sản xuất vaccine trên toàn cầu. Hiện CEPI chỉ mới huy động được hơn 1/3 của 2 tỉ USD hỗ trợ khẩn công tác phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, với số tiền này, hiện CEPI vẫn đang tài trợ cho tám dự án với tiến triển nhanh chưa có tiền lệ, theo SCMP. Trong số này có các dự án của ĐH Queensland (Úc), ĐH Hong Kong và Công ty Công nghệ sinh học Inovio Pharmaceuticals (Úc). |