Quý 1-2012: Tái cơ cấu năm đến tám ngân hàng

Nhiều vấn đề nóng của ngành ngân hàng (NH) như sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức tín dụng yếu kém thanh khoản; chuyển đổi thương hiệu vàng miếng SJC; doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn với lãi suất quá cao,… đã được bạn đọc đưa ra chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại buổi đối thoại trực tuyến ngày 12-1.

Khó tránh lợi ích nhóm

Một vấn đề được người gửi tiền quan tâm trong thời gian qua là chuyện sáp nhập NH. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu với mục tiêu tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống. Trong quý I, NHNN dự kiến sẽ có khoảng năm đến tám ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc diện xem xét cho phép hợp nhất hoặc mua bán lại.

Theo đại diện NHNN, tái cấu trúc hệ thống NH là một trong những vấn đề nóng của ngành. Tuy vậy, việc tái cấu trúc không phải vì VN khủng hoảng NH như một số ý kiến nêu ra trước đó. Thống đốc thừa nhận vai trò thị trường vốn của hệ thống NH hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả khi nguồn vốn luôn trong tình trạng bị động. Kèm theo đó, việc tái cơ cấu NH, dù không có lợi ích nhóm trên phạm vi toàn hệ thống nhưng vẫn xảy ra tình trạng lợi ích nhóm ở một số ít các tổ chức tín dụng có tài chính kém minh bạch. Vì vậy, mặc dù Chính phủ đề mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%-17% nhưng năm nay NHNN không cào bằng tỉ lệ này cho tất cả các tổ chức tín dụng mà sẽ phân loại để trên cơ sở đó có quy định về tỉ lệ được tăng trưởng tín dụng. Tiêu chí để phân loại tổ chức tín dụng tập trung về chỉ số mức độ lành mạnh trong hoạt động tài chính của tổ chức tín dụng.

Quý 1-2012: Tái cơ cấu năm đến tám ngân hàng ảnh 1

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, vốn vay từ NH của DN chiếm tới 80%-90% nên dễ gặp khó khăn khi bị thắt chặt tín dụng. Trong ảnh: Giao dịch tại một ngân hành thương mại. Ảnh: HTD

Lãi suất 25% - không đáng ngại với DN tài chính lành mạnh!

Xung quanh câu chuyện các DN phải tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất rất cao 18%-22%, từ đó gây khó khăn cho DN khiến cho họ phải hoạt động cầm chừng và đóng cửa. Thống đốc nói: “Bản thân DN hãy xem lại cơ cấu nguồn vốn của mình, không nên đổ hết lỗi do lãi suất”.

Vị đứng đầu NHNN lý giải: Trước kia tăng trưởng tín dụng ở mức 33,5%. Theo Nghị quyết 11, Chính phủ yêu cầu tỉ lệ này dưới 20%. Nếu năm 2011, chúng ta thực hiện đúng 20%, giảm 13% so với trước đây, thì ít nhất khoảng 1/3 DN gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng NH. Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, DN hãy thử đặt ngược vấn đề, trong năm 2011, chúng ta đã tăng trưởng tín dụng 13% và lạm phát là 18,5%. Nếu tín dụng tăng trưởng 20% thì lạm phát phải  là 25, 27% và việc chống lạm phát năm 2012 còn khó khăn hơn nữa. Do vậy, giảm tăng trưởng tín dụng là chia sẻ chung để cùng thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, ông Bình thẳng thắn: “DN thiếu tiền thì kêu ngân hàng nhưng đôi khi DN cũng phải nhìn nhận lại bản thân. Nếu DN có tình hình tài chính lành mạnh thì lãi suất NH lên đến 25% vẫn không có vấn đề gì đáng ngại”. Ông Bình phân tích: Có một thực tế là hầu hết nguồn vốn của DN đều từ NH và đó là điều không lành mạnh. Trên thế giới, một DN có ba đồng vốn thì ông chủ tối thiểu phải có một đồng vốn tự có, đồng vốn thứ hai có thể kêu gọi bạn bè, còn lại mới đi vay NH. “Hãy thử làm một phép tính, DN có 2/3 vốn, 1/3 còn lại từ NH với lãi suất 25%/năm thì DN bình thường cũng quay vòng được vốn ba, bốn lần. Với lợi nhuận của mỗi vòng quay nhân với ba, bốn lần thì DN thừa sức trả được lãi suất cho NH, không những duy trì mà còn phát triển được sản xuất. Nhưng ở VN hiện nay, vốn vay từ NH của DN chiếm tới 80%-90%, nên khi bị thắt chặt tín dụng là DN gặp khó khăn ngay”.

Sau khi thông tin thương hiệu vàng miếng của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sẽ thành nhãn hiệu vàng của NHNN được người đứng đầu NHNN công khai tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều người lo lắng việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ bị xóa bỏ, thay vào đó là sự độc quyền của vàng miếng SJC (chiếm hơn 90% thị phần).  Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết không có chuyện Công ty SJC sẽ sáp nhập về NHNN mà NHNN chỉ lấy phần sản xuất vàng miếng của công ty. SJC là một công ty lớn, trong đó có phần kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và kinh doanh vàng miếng. NHNN không có chức năng kinh doanh sản xuất vàng trang sức. NHNN sẽ chi phối cả về mặt sản xuất, nguyên liệu đầu vào, kế hoạch sản xuất, số lượng cũng như sản phẩm đầu ra chỉ đối với vàng miếng.

Theo ông Bình, ở đây không có việc SJC độc quyền trên thị trường mà là Nhà nước độc quyền. Nếu có nhãn vàng nào thấy không được sản xuất vàng miếng nữa  thì “vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích quốc gia, họ phải hy sinh lợi ích riêng”. Trên thực tế, lượng vàng SJC chiếm tới 90% giao dịch trên thị trường. 10% còn lại chia cho bảy nhãn hiệu khác. “Đến một lúc nào đó, NHNN sẽ đổi tên vàng miếng SJC thành SBV (tên viết tắt tiếng Anh của NHNN Việt Nam - NV). Vấn đề chi phí chuyển đổi thương hiệu SJC thành SBV đã được NHNN tính tới nhưng do chi phí lớn nên phải tiến hành dần từng bước, đảm bảo không gây xáo trộn quá lớn trong việc lưu chuyển vàng hiện có” - ông Bình nhấn mạnh.  

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm