“Tôi năm nay gần 50 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, tôi không hề bị mụn. Tuy nhiên 2 năm nay, mặt tôi thỉnh thoảng mọc mụn trứng cá gây đau nhức, thậm chí sưng méo cả mặt. Có người khuyên tôi nên đến bệnh viện rạch lấy hết "chân" để mụn không mọc lung tung nữa, tôi có nên nghe theo không? (Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Trả lời
Thông thường, mụn trứng cá bùng phát nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên một số người trưởng thành có thể tiếp tục bị mụn trứng cá kéo dài đến tuổi 30, 40 hoặc 50 tuổi.
Tuy ít gặp nhưng mụn trứng cá cũng có thể bùng phát lần đầu ở những độ tuổi này và được gọi là “thể mụn trứng cá khởi phát ở tuổi trưởng thành”.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở độ tuổi này có thể là do các nguyên nhân sau:
1. Thay đổi hormone: Thường gặp ở người mang thai, người ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh và đang sử dụng thuốc tránh thai.
2. Stress: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh có mối liên quan giữa stress và bùng phát mụn trứng cá. Khi bị stress, cơ thể sản xuất nhiều nội tiết tố androgen hơn thông thường. Loại hormone này sẽ kích thích các tuyến bã tăng sản xuất bã nhờn, kích thích tăng sinh tế bào sừng khiến nang lông dễ bị bít tắc, dẫn đến hình thành mụn trứng cá.
3. Tiền căn gia đình: Nghiên cứu cũng cho thấy nếu những người trong gia đình (cha mẹ, anh chị em) có mụn trứng cá thì có thể có khuynh hướng di truyền, dễ bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành hơn.
4. Mỹ phẩm: Việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc tóc hoặc chăm sóc da không phù hợp cũng có thể gây bùng phát mụn trứng cá. Khi lựa chọn mỹ phẩm, cần đọc kỹ thông tin để đảm bảo sản phẩm không sinh nhân mụn hoặc không gây bít lỗ chân lông.
Thông thường, các sản phẩm này thường được dán nhãn “non-comedogenic”, “non-acnegenic”, “oil-free”, “won’t clog pores”…
5. Thuốc: Một số các loại thuốc bạn đang sử dụng có thể gây bùng phát mụn trứng cá. Nếu nghi ngờ nguyên nhân do thuốc, nên hỏi ý kiến của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi thuốc đột ngột.
Ngoài các phương pháp điều trị thông thường như dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi, thủ thuật lấy nhân mụn cũng có thể được lựa chọn đối với loại mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng.
Đối với mụn đầu trắng, người thực hiện có thể dùng dụng cụ vô trùng như kim hoặc dao để rạch đầu mụn nhằm tạo đường ra để lấy nhân mụn. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn đầu tiên trong điều trị mụn. Bệnh nhân không tự thực hiện ở nhà hoặc các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vô trùng vì có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, sẹo xấu…
Ngoài ra, việc lấy nhân mụn chỉ giúp lấy nhân mụn chứ không giải quyết nguyên nhân hình thành mụn hoặc lấy hết “chân”. Nói cách khác, thủ thuật lấy nhân mụn chỉ giúp cải thiện tình trạng mụn chứ không giúp ngăn ngừa hình thành nhân mụn về sau.
Để giảm nguy cơ bị tái phát, bạn tuân thủ điều trị theo khuyến cáo của bác sĩ, chăm sóc da đúng cách và tránh các nguyên nhân gây bùng phát mụn.
BSCK2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM