Đường Tân Kỳ Tân Quý dài 4.923 m trước đây là con đường nhỏ nối quận Tân Bình với huyện Bình Chánh. Từ sau năm 2003 đến nay (sau tách quận), con đường này trở thành đường trục nối ba quận Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân nhưng nó vẫn nhỏ như xưa. Dự kiến đầu năm 2018 sẽ khởi công một số dự án mở rộng ở hai đầu tuyến đường này nhằm giảm ùn tắc cho khu vực kết nối giữa trục đường này với các đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Âu Cơ, Cộng Hòa.
Hình thành nút giao mới
Cầu Tân Kỳ Tân Quý được xây dựng trước năm 1975 bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Đến năm 2016, sau khi nhiều lần bị sự cố lún nứt cầu chỉ còn tải trọng cho phép là 5 tấn. Đêm 26-8-2016, mưa lớn, nước chảy xiết đã làm sụp mố, kéo theo một phần mặt cầu bị trượt, nghiêng ra dòng kênh. Giao thông qua cầu bị cắt đứt hoàn toàn vì cầu có thể sập bất cứ lúc nào. Sở GTVT TP cho tháo dỡ khẩn cấp để đề phòng chuyện cầu sập hẳn và thực hiện hai cầu sắt rộng 4 m bắc tạm hai bên cầu cũ.
Hơn một năm qua, công trường xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý mới được dựng lên ở ngay vị trí cầu cũ nhưng việc xây dựng cầu chẳng hề động tĩnh. Người, xe phải qua lại khó khăn mỗi ngày trên hai cầu tạm. “Làm cầu mới như quy mô cầu cũ thì nhanh thôi nhưng nhân đây làm cầu mới với quy mô lớn hơn và cải tạo luôn nút giao Tân Kỳ Tân Quý với đường Mã Lò” - một cán bộ Sở GTVT TP cho biết.
Mới đây, tin từ Sở GTVT cho hay UBND TP đã phê duyệt dự án xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý với tổng kinh phí hơn 312 tỉ đồng, tải trọng 30 tấn. Theo đó, việc xây cầu Tân Kỳ Tân Quý được đưa vào dự án thành phần, bổ sung trong dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc.
Vị trí, quy mô xây cầu, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý và Trường Chinh. Đồ họa: THÀNH LƯỢNG
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, cầu Tân Kỳ Tân Quý mới và đường vào cầu có tổng chiều dài 224,8 m, trong đó cầu chính dài 82,9 m, rộng 16 m cho bốn làn ô tô; lề bộ hành mỗi bên rộng 1,5 m. Ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP), đơn vị được giao việc giám sát nhà nước đối với công trình này, cho biết thêm ở hai bên cầu chính và đường dẫn đều có đường cặp hông rộng 7-10 m. Vì thế toàn bộ chiều rộng của cầu, đường dẫn, đường cặp hông và vỉa hè là trên 30-40 m. “Đường và cầu Tân Kỳ Tân Quý mở rộng lên thay vì 8 m như trước đây và kéo dài ra đến ngã ba Mã Lò và ngã ba quốc lộ 1. Việc mở rộng này sẽ được làm cùng lúc với xây cầu để cải tạo, hình thành nút giao mới rộng rãi ở khu vực đầu tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý này” - ông Ninh nói.
Mở rộng ngã tư
Ở đầu kia, giao lộ Tân Kỳ Tân Quý với đường Trường Chinh nhiều năm qua là điểm nghẽn của trục chính Trường Chinh ra vào trung tâm TP và cũng là điểm đầu ùn tắc của trục Tân Kỳ Tân Quý nối ba quận nêu trên. Điểm tắc nghẽn này làm cho hướng vào ra phía Tây Bắc TP khó nối với các huyện như Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Tân Phú, Tân Bình… Trong bán kính gần hơn thì điểm nghẽn Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý còn kéo theo tình trạng ùn tắc thường xuyên, nhiều giờ vào mọi thời điểm trong ngày và nhiều ngày liên tiếp ở các điểm gần kề đó như giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa, Âu Cơ - Trường Chinh (mũi tàu Bà Quẹo) và trên cả đường Trường Chinh đoạn từ Bà Quẹo đổ về ngã tư Bảy Hiền…
1.100 tỉ đồng là vốn đầu tư tăng thêm khi thực hiện hai dự án mở rộng giao lộ Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý. Trước năm 2010, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã trình hai dự án mở rộng giao lộ này với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng nhưng do TP chưa bố trí vốn nên chưa triển khai. Đến nay, sau bảy năm, hai dự án đã tăng vốn lên 2.106 tỉ đồng. |
Theo ông Ninh, tới đây TP sẽ đầu tư 2.606 tỉ đồng để thực hiện hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý. Cụ thể, sẽ mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ dài 765 m, rộng 30 m (hiện nay rộng khoảng 10-12 m) cho sáu làn xe lưu thông với kinh phí 278 tỉ đồng. Cùng lúc sẽ nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn, dài 644,8 m, rộng 30 m (hiện nay rộng khoảng 8 m) cho sáu làn xe với vốn xây dựng 96 tỉ đồng.
Theo ông Ninh, nếu trong năm 2017 các quận Tân Bình, Tân Phú làm xong việc bồi thường giải tỏa, bàn giao mặt bằng thì hai công trình này sẽ khởi công vào đầu năm 2018. Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng toàn tuyến Tân Kỳ Tân Quý còn lại dài khoảng 4 km hiện chỉ rộng 6,5-7 m nên vẫn có thể xảy ra kẹt xe. Hiện chưa có dự án mở rộng đoạn đường này lên 30 m theo như quy hoạch.
Kéo dài thời gian thu tiền BOT Theo các hợp đồng, phụ lục hợp đồng trước đây, việc thu tiền trên đoạn BOT An Sương - An Lạc sẽ kết thúc vào cuối năm 2030. Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, nay TP đưa công trình cầu Tân Kỳ Tân Quý bổ sung vào dự án nên IDICO sẽ phải ký thêm phụ lục hợp đồng tăng thời gian thu tiền. Tuần qua, tin từ Sở GTVT TP cho hay thời gian thu tiền BOT đoạn An Sương - An Lạc sẽ kéo dài đến tháng 11-2034 (thêm 11 tháng). “Sau khi UBND TP chính thức ký phụ lục hợp đồng tăng thời gian thu tiền, IDICO sẽ làm cầu Tân Kỳ Tân Quý ngay, thời gian thi công mất khoảng năm tháng” - ông Ninh cho biết. |