Cầu Bạch Đằng nối ba tỉnh, thành lớn của vùng Đông Bắc bộ là Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long (Quảng Ninh) chuẩn bị hoàn thành vào đầu năm 2018.
Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng từ khu vực quận Hải An, TP Hải Phòng đến xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Cầu nối liền tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long. Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có chiều dài 5,4 km, rộng 25 m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ. Riêng cầu Bạch Đằng dài 3 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp hai bên cao 94,5 m với bốn nhịp cầu dây văng. Khi thông cầu, quãng đường di chuyển Hà Nội-Hạ Long còn 130 km (trước là 180 km); Hải Phòng-Hạ Long còn 25 km (trước là 75 km).
Cầu Bạch Đằng đang được hối hả thi công cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành vào đầu năm 2018. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Dự án được khởi công ngày 25-1-2015, mức đầu tư 7.662 tỉ đồng, hình thức BOT, do liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư Cái Mép, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trung Nam và Tập đoàn SE (Nhật Bản).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-12, ông Nguyễn Anh Sáng, Phó Trưởng ban Quản lý dự án cầu Bạch Đằng, cho biết: “Việc thi công cầu Bạch Đằng đang trong giai đoạn nước rút, các nhà thầu đang ngày đêm thi công để đảm bảo tiến độ hoàn thành. Các trụ đã thi công xong hết. Về chất lượng thi công thì cứ 2-3 tháng lại có hội đồng nghiệm thu nhà nước, bao gồm các giáo sư đầu ngành xây dựng kiểm tra liên tục. Cho đến bây giờ, tất cả hạng mục đều được đánh giá tốt”.
Trước đó, phát biểu trong Hội nghị hợp tác hành lang năm tỉnh, TP Việt Nam (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: “Với vai trò là cửa chính ra biển của tuyến hành lang kinh tế năm tỉnh, TP, TP Hải Phòng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng; khánh thành nhiều công trình quan trọng: Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ-Lạch Huyện, kết nối với Cảng quốc tế Hải Phòng và nâng cấp cải tạo quốc lộ 10”.
Hàng loạt công trình hạ tầng hoàn thành năm 2018 Ngoài tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Hải Phòng còn có nhiều công trình đầu tư hạ tầng sẽ khởi động và hoàn thành năm 2018: Cảng quốc tế Hải Phòng sẽ khánh thành hai bến khởi động cửa vào giữa năm 2018, tiếp nhận tàu lớn nhất của thế giới; đường ven biển kết nối giữa Quảng Ninh với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đang được thi công. Tới đây, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng các công trình: Nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện số 2 và xây dựng các bến tiếp theo của Cảng quốc tế Hải Phòng… Cầu Bạch Đằng là dự án quan trọng nhất của dự án đường cao tốc Hà Nội-Quảng Ninh. Việc kết hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng cầu Bạch Đằng nằm trong chiến lược đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư của UBND TP Hải Phòng. |