Sẽ thanh tra đột xuất
Tại cuộc họp báo, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, cho hay lực lượng Thanh tra Bộ và đơn vị trực thuộc sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Trong đó, Bộ sẽ dành 30% kinh phí, lực lượng cho nhiệm vụ thanh tra đột xuất với các vụ việc khi có thông tin nêu hoặc báo chí phản ánh.
“Chúng tôi sẽ lập kế hoạch, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được những thông tin phản ánh vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Những thông tin phản ánh có thể qua các kênh đơn thư của người dân, đường dây nóng… hoặc thông tin báo chí phản ánh” - ông Lê Vũ Tuấn Anh nói.
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT.
Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cũng cho hay trong năm 2018, Bộ sẽ tiến hành thanh tra đột xuất đối với các địa điểm có vi phạm về môi trường lớn như kênh Bắc Hưng Hải, hay các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên môi trường hoặc được cấp có thẩm quyền giao; thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra đã ban hành trong các năm trước.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ TN&MT cũng lập kế hoạch thanh tra cụ thể cho năm 2018. Trong đó sẽ thanh tra về việc quản lý nhà nước đối với tài nguyên môi trường của UBND bốn tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Nam và Cà Mau.
Lĩnh vực đất đai sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất 19 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế ở sáu tỉnh, TP Thái Nguyên, Cần Thơ, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Định.
Lĩnh vực môi trường sẽ tập trung thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, xi mạ, nhiệt điện...; lĩnh vực khoáng sản sẽ tập trung thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức có hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản do Bộ cấp phép;
Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra việc thực hiện vận hành điều tiết của các hồ chứa quy định tại các quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc tuân thủ các nội dung quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc tuân thủ các nội dung quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Cắt giảm hơn 60% điều kiện kinh doanh
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ TN&MT cho hay trong quý I-2018, Bộ đã chỉ đạo tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản để giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Trong đó, Bộ đã tiến hành rà soát cắt giảm đơn giản hóa tới 99/163 loại thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu vào cho phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT).
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), cho hay hiện Bộ đang soạn thảo nghị định về cắt giảm một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường để trình Chính phủ ban hành vào tháng 6-2018. “Hiện dự thảo nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương. Cuối năm 2017, Bộ đã báo cáo Chính phủ cắt giảm 76/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, vừa qua Bộ rà soát thêm và sẽ bãi bỏ 99/163 thủ tục, chiếm khoảng 60% các thủ tục về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường” - ông Hùng nói.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên thông tin tại buổi họp báo.
Bổ sung thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho hay căn cứ để Bộ cắt giảm hơn 60% các thủ tục về điều kiện đầu tư, kinh doanh này dựa vào phản ánh của doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; qua báo chí phản ánh, qua phản ánh của nhiều tổ chức trong quá trình triển khai các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường…
“Bản thân tôi từng dự diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tại đây, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị về cắt giảm các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những căn cứ để Bộ bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn, sản xuất…” - ông Kiên nói.