Từ ngày 1-6, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực. Theo ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, Thông tư 12/2017 có nhiều điểm mới so với Thông tư 58/2015. Theo đó, các cơ sở đào tạo, sát hạch phải chú trọng truyền đạt các kỹ thuật lái xe có tính thực tế cao và học viên phải thao tác nhuần nhuyễn thay vì chỉ dạy và học vẹt lý thuyết.
Lái xe số tự động: Không dễ!
Do sự gia tăng xe số tự động và nhu cầu lái loại xe này tăng mạnh thời gian qua nên các kỹ năng nhận biết thông thường loại xe này đang lưu thông trên đường, cùng chiều là cần thiết nhằm giúp người lái có các phương án xử lý tình huống cụ thể. Giáo viên phải chỉ dẫn cho học viên nhận biết các xe số tự động có chữ G lưu thông phía trước xe mình. Giáo viên cũng phải chỉ dẫn rõ cho học viên các cấp số tự động và học viên nắm vững để điều khiển xe an toàn, thoải mái. Cách lên số trên đường trường, về số mạnh khi vượt xe phía trước, cài số P khi dừng đỗ xe... cũng phải được truyền đạt cụ thể.
Theo Thông tư 12/2017, kỹ thuật cơ bản lái xe số tự động và lái trên đường trường sẽ chiếm số giờ và số điểm nhiều, cao hơn trước 15%-20%.
Hướng dẫn kỹ học viên kỹ thuật lùi xe đầu kéo container. Ảnh: L.ĐỨC
Lái xe container phải có ba năm kinh nghiệm
Thông tư 12/2017 quy định người lái xe chuyên nghiệp các hạng C, D, E muốn nâng lên hạng bằng FC (lái xe đầu kéo container) phải có thời gian lái các loại xe trên từ ba năm trở lên thay vì một năm như quy định cũ. Quy định mới này xuất phát từ tình hình tai nạn do xe container gây ra có chiều hướng gia tăng thời gian qua.
Theo đó, người lái xe đầu kéo container phải học kỹ kỹ thuật lái xe qua đường quanh cua liên tục mà vẫn giữ được xe ở thế cân bằng, không bị lật xe, lật thùng. “Loại xe container 20, 40 feet dài đòn, bán kính quay vòng lớn, quán tính trôi về phía trước lớn… nên người học phải tập lái làm sao cho trọng tâm xe không bị rơi lệch dễ dẫn đến lật cả xe hoặc thùng container khi qua cua. Tầm nhìn của xe đầu kéo container cũng hẹp nên người học phải tập cho mình tính thận trọng, quan sát kỹ trước sau và đặc biệt không được đạp thắng gấp khi có sự cố phía trước. Thắng gấp sẽ làm cho toàn xe bị dồn, đẩy về phía trước, dễ lật!” - thầy Nguyễn Minh Hiền, Trường Lái xe Tiến Bộ, lưu ý.
Thông tư 12/2017 cũng yêu cầu giáo viên phải truyền đạt kỹ cho học viên kỹ thuật vê bàn tay liên tục trên vô lăng khi qua cua hoặc khi lùi. Khi học viên lùi xe container chưa thuần thục thì giảng viên phải có mặt ở ngay “chuồng” để thị phạm, nắn chỉnh học viên đánh vô lăng qua lái, qua phụ. Học viên tự động lùi xe thông qua nhìn vào gương chiếu hậu liên tục. Cấm học viên thò đầu qua cabin nhìn ngược lại.
Cần định rõ các dạng khuyết tật Thông tư 12/2017 cũng mở ra cơ hội cho người khuyết tật được học và có bằng lái hạng A1 hoặc B1. Nhưng với hạng A1, xe cho người khuyết tật tập phải là xe ba bánh chế tạo riêng biệt cho người khuyết tật (tay hoặc chân). Xe số tự động cho người khuyết tật học lấy bằng B1 phải là xe của cơ sở đào tạo hoặc là xe của chính người khuyết tật nhưng phải đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường dạy lái xe Hoàng Gia, quận 3, thì giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT cần sớm xác định rõ các dạng khuyết tật nào thì được học, cấp bằng lái xe hạng A1, B1. Người bị điếc thì có nên cho học, cấp bằng không… Phải sửa đề thi lái xe cho phù hợp Để thực hiện tốt Thông tư 12/2017, tới đây đơn vị sẽ phải sửa lại bộ đề thi lý thuyết. Vì lẽ, đến nay hệ thống biển báo đã được áp dụng theo quy chuẩn mới (QCVN 41/2016); một số tuyến đường trong đô thị và trên quốc lộ đã giảm tốc độ (giảm bớt 10 km/giờ). Nội dung đề thi cũng phải đưa hệ thống biển báo quốc tế vào vì Việt Nam đã tham gia đầy đủ Công ước Vienne 1968 về giao thông đường bộ và có một số tuyến quốc lộ đã thành đường Xuyên Á (AH - Asean Highway). Ông VÕ TRỌNG NHÂN, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM |