Trước các sự cố liên tiếp uy hiếp đến an toàn bay gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với hãng hàng không VietJet đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại sân bay Cam Ranh. Cùng đó, thực hiện tổng kiểm tra lực lượng phi công và lực lượng kỹ thuật. Khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay và công bố rộng rãi.
Nhận định về các động thái này, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, giảng dạy bộ môn hàng không dân dụng quốc tế (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho rằng khi xảy ra các sự cố uy hiếp đến an toàn tính mạng con người, nhà chức trách phải phân tích tình hình và tùy mức độ đánh giá để mở các cuộc điều tra. “Như vậy, nhà chức trách hàng không lập tổ điều tra các sự cố liên quan nhằm tìm nguyên nhân và phương hướng khắc phục là cần thiết” - TS Phước nói.
Tại sân bay Cam Ranh đã xảy ra hai lần máy bay đáp nhầm đường băng. Ảnh: TẤN LỘC
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, với các sự cố hàng không vừa qua, cần có sự phân tích, đánh giá rạch ròi. Cụ thể, chuyến bay VJ861 đêm 24-12 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM sau đó phải hạ cánh xuống sân bay Đào Viên (Đài Loan) để kiểm tra do phát hiện cảnh báo kỹ thuật cháy khoang chứa hàng. Còn chuyến bay VJ513 khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng phải quay vào bãi đỗ sau khi hệ thống báo gặp sự cố. “Hai chuyến bay này phi công cho hạ cánh khẩn là vì an toàn cho chuyến bay và hành khách khi có cảnh báo kỹ thuật. Tuy nhiên, hãng cũng nên rà lại khâu kỹ thuật, dĩ nhiên là các phát sinh kỹ thuật khó nói trước” - ông Tống nói.
Còn vụ phi công đáp nhầm đường băng ở sân bay Khánh Hòa, theo TS Tống cần làm rõ thêm vì sao cất cánh rồi lại phát sinh lỗi kỹ thuật, nguyên nhân do đâu. “Với sự cố máy bay hạ cánh bằng càng tại sân bay Buôn Ma Thuột, theo đánh giá ban đầu là có lỗi phi công. Như vậy, VietJet cần chấn chỉnh đội ngũ phi công thuần thục chuyên môn hơn. Đồng thời hãng cũng lưu ý khâu tuyển chọn, quản lý quy trình để không xảy ra những sự cố đáng tiếc thời gian tới, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình” - TS Tống đề nghị.
30 ngày bốn sự cố - Lúc 23 giờ 3 phút ngày 29-11, chuyến bay VJ356 từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột đã phải tiếp đất bằng càng do hai bánh trước bị văng ra. - Sáng 26-12, chuyến bay VJ513 khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng chuẩn bị rời mặt đất thì cơ trưởng nhận thông báo lỗi kỹ thuật nên giảm tốc, đưa máy bay vào bãi đỗ. Sau khi kiểm tra, máy bay đủ điều kiện nên chuyến bay tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng. - Trưa 25-12, chuyến bay VJ689 cất cánh từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đi TP.HCM. Sau ít phút cất cánh, tổ bay nhận cảnh báo kỹ thuật nên đã cho máy bay quay lại và hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác. - Đêm 24-12, chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM đã hạ cánh xuống sân bay Đào Viên (Đài Loan) do phát hiện cảnh báo kỹ thuật cháy khoang chứa hàng. |