“Hình ảnh một chị 40 tuổi nước mắt đầm đìa, giọng nói đứt quãng vì biết mình mang thai giả làm tôi rất đau lòng” - Bác sĩ (BS) Bùi Thanh Vân, Trưởng khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM), nói.
Nhất quyết không cho siêu âm
BS Vân kể: “Người phụ nữ nói trên tên H., ở TP.HCM. Sau 10 năm lập gia đình vợ chồng chị vẫn chưa có con bồng con bế, cho dù đã chữa chạy nhiều nơi. Nghe lời mách bảo của hàng xóm, chị lặn lội xuống miền Tây nhờ một thầy lang chữa bệnh”.
Sau khi cho chị H. uống thuốc, ông “thầy” dặn không được đến BV khám thai, siêu âm, thử nội tiết bởi BS đụng vào người thì thai sẽ hư. “Bốn tháng sau chị H. cảm thấy cơ thể có dấu hiệu của “thai máy” nên rất mừng, khoe hết với mọi người. Chị khấn vái, cám ơn trời Phật vì cho gặp được ông “thầy” giỏi. Nghe lời “thầy”, chị không bước chân tới BV để khám thai” - BS Vân nói.
Vài ngày sau chị H. ra huyết nên miễn cưỡng vào BV. Tuy nhiên, chị chỉ xin BS cho thuốc uống, nhất quyết không cho đụng tới cái bụng. “Tôi giải thích cạn lời nhưng chị H. không cho khám thai, chẳng chịu siêu âm. Sau đó chị mới kể rành mạch câu chuyện về ông “thầy” lang. Tôi yêu cầu chị H. nhập viện để vừa theo dõi sức khỏe, vừa tìm cách xác định cái thai” - BS Vân cho biết.
Hôm sau, BS Vân đề nghị chị H. gọi điện thoại khoe với “thầy” là đã có thai. Đồng thời xin phép “thầy” cho BS khám để xem thai nhi phát triển ra sao. Nghe chị H. nói đã có thai, giọng ông “thầy” vui hẳn. Sau khi buông câu “thuốc thầy cho uống hiệu nghiệm lắm”, “thầy” đồng ý để BS khám thai cho chị H.
“Tôi siêu âm, thử nội tiết nhưng không phát hiện thai nhi trong tử cung. Không cho tôi giải thích đầy đủ vụ việc, chị H. la lối rồi đổ lỗi máy siêu âm sai. Chị H. còn cho rằng tôi muốn bỏ cái thai trong bụng chị nên đã đặt điều” - BS Vân thuật lại.
“Sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ, chị H. dần tỉnh trí. Bất ngờ chị ôm mặt khóc, nói hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ vì nhà chồng đinh ninh chị đang mang thai. Là người mẹ đã có hai con, tôi cảm thông với nỗi đau của chị H. Tôi vỗ về chị, nước mắt cũng chảy theo” - BS Vân nhỏ giọng.
Không ít phụ nữ tưởng đang mang thai nhưng khi siêu âm lại phát hiện mang thai giả (ảnh minh họa). Ảnh: TRẦN NGỌC
… Vì quá thương chồng
Bên cạnh phụ nữ mang thai giả do quá tin vào “thần dược” của các “thầy” lang cũng có phụ nữ muốn mang thai giả để cứu lấy thanh danh của chồng.
BS Vân kể: “Chị T., 30 tuổi, nhà ở Đồng Nai. Căn nhà thiếu vắng tiếng bi bô của trẻ sau bốn năm lập gia đình. Chị luôn nghe “tiếng bấc tiếng chì” từ gia đình chồng. Nghĩ nguyên do tại mình, chị T. đi khám nhưng kết quả bình thường. Trong khi đó, chồng chị lại không có tinh trùng”.
Thương chồng, chị T. mong muốn BS giấu kín thông tin trên. Chị còn đề nghị BS cho chồng mình uống thuốc, sau đó xét nghiệm và thông báo tinh trùng bình thường để anh ta khỏi mặc cảm. Tuy nhiên, BS không thể làm theo yêu cầu của chị T. Tôi hỏi: “Chẳng hạn BS làm đúng đề nghị của chị, thông báo chồng chị vẫn có tinh trùng bình thường. Thế nhưng chị không thể mang thai, lúc đó ăn nói sao với gia đình chồng?”. Chị T. sụt sùi một hồi rồi nói với giọng cương quyết: “Tôi sẽ mang thai giả, tới đâu hay tới đó”. Vì không muốn chồng hổ thẹn nên chị T. nhận phần thiệt thòi về mình. Hoàn cảnh chị T. đáng thương hơn đáng trách, BS Vân chia sẻ.
“Tôi khuyên hai vợ chồng chị T. nên đối diện với sự thật để chị tránh mang tiếng “qua mặt” gia đình chồng về sau. Trong trường hợp muốn có con, chị T. vẫn có thể áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm” - BS Vân nói.
Biểu hiện ốm nghén là có thật
Công tác lâu năm trong ngành sản, BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, cho biết đã từng gặp không ít phụ nữ không có thai nhưng khẳng định đang mang thai và có những biểu hiện của một người ốm nghén. “Trường hợp này gọi là mang thai giả (còn gọi là thai tưởng tượng). Đây thực chất là sự bắt chước vô thức của người mang thai giả với những người mang thai thật” - BS Thông cho biết.
Theo BS Thông, phụ nữ lập gia đình bị hiếm muộn thường rơi vào trạng thái mang thai giả do khao khát có mụn con, cộng với dư luận không hay từ nhiều phía đã tạo nên một áp lực đè nặng tâm lý. Do tác động của tâm lý nên hệ nội tiết người phụ nữ vô sinh thay đổi bất thường và đã tạo ra các triệu chứng dễ khiến nghĩ mình đang mang thai. “Sau khi xác định không mang thai, tâm trạng người mang thai giả thường hụt hẫng, thậm chí không chấp nhận thực tế. Tuy nhiên, sau đó mọi thay đổi nội tiết trong cơ thể sẽ trở lại bình thường” - BS Thông lưu ý.
Mang thai giả có tên tiếng Anh là pseudocyesis. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10), mang thai giả được xếp vào mục các rối loạn tâm thần. Viện Sức khỏe tâm thần (Việt Nam) từng tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ được chẩn đoán có thai giả sau 10 tháng mang bầu chưa sinh. Người bệnh được chẩn đoán là có thai giả hysteria và được điều trị khỏi bằng liệu pháp tâm lý. Theo số liệu của Mỹ, vào những năm 1940 tỉ lệ mắc chứng bệnh này khoảng 1/250 người có thai. Tỉ lệ này đang giảm mạnh, hiện nay còn khoảng 1-6/22.000 người có thai. Hơn 2/3 số người mắc tình trạng này đã có chồng, 1/3 đã có thai ít nhất một lần. ____________________________ Sau khi rơi vào thực trạng mang thai giả, người mang thai giả và chồng nên đến các BV có khoa hiếm muộn để được tư vấn và hướng dẫn biện pháp điều trị. Với cách làm này, người phụ nữ sẽ giảm bớt gánh nặng tâm lý. BS NGUYỄN NGỌC THÔNG, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc |