Công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh

Hồi 16 giờ chiều nay, 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 450 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm ATNĐ.

Dự báo đến 16 giờ ngày 29-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 70 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới ngày 28-10. Ảnh: NHCMF


Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 10,0 độ Vĩ Bắc; phía đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 16 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực bắc và giữa biển Đông và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh.

Từ ngày 30 đến 31-10, ở các tỉnh, thành từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400 mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600 mm/đợt).

Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện gửi tới các địa phương, các cơ quan chức năng yêu cầu chủ động ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão.

Công điện nêu rõ cơ quan chức năng thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các lồng bè, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy hải sản, kinh tế ven biển và ngoài khơi cần được kiểm tra thường xuyên, liên tục. Sở Du lịch các địa phương cần rà soát khách du lịch tại các nơi có thể ảnh hưởng bởi ATNĐ mạnh lên thành bão...

Công tác chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình huống xấu phải được thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng chủ động khi bão đổ bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm