ĐBQH cảnh báo xuất hiện thế hệ tham nhũng thứ 2

“Có hay không có tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo chưa đầy đủ, còn nếu không thì sao lại đúng quy trình mà người có tài có đức không được bổ nhiệm, người kém lại được và được trao quyền là “quyền hành dân và quyền hành doanh nghiệp”” - ĐB Bộ đặt câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ.

Và ông tự trả lời: “Theo tôi là có, vì theo nguyên lý không có lửa làm sao có khói. Dân gian kết luận nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ hẳn là có lý. Tôi đồng tình với ĐB Đặng Thuần Phong, nạn chạy chức chạy quyền là một trong sáu bất an của xã hội ta”.

Cũng theo ông Bộ, ngoài vấn nạn bốn vần “ệ” thì quy định về công chức còn thiếu chặt chẽ nên tham nhũng trong công tác là có. Mục đích đánh giá cán bộ, công chức không quy định đánh giá bằng quy định pháp luật nên phụ thuộc người đánh giá… Chính điều này dẫn đến tham nhũng trong công tác cán bộ.

“Phòng, chống trường hợp này rất khó, vì cả hai đối tượng nhận và đưa đều không bao giờ tự khai báo, mà người thứ ba không có chứng cứ hoặc có mà không đủ” - ông Bộ nói.

Ông Bộ cảnh báo: Nếu không chống tham nhũng trong công tác cán bộ thì hệ quả sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 đánh giá là “rất đau lòng”, đội ngũ cán bộ yếu kém. Đặc biệt nó sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện vì khi chạy mất tiền đến khi có quyền thì tính bài thu lại và không cách nào khác là tham nhũng”.

Theo đó, ông Bộ đề nghị phải sửa Luật Cán bộ, công chức, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm. Cụ thể đưa 2-3 cán bộ nguồn cho một vị trí cần bổ nhiệm, đánh giá tiêu chí của từng cán bộ, cán bộ nào có nhiều tiêu chí đạt hơn thì được bổ nhiệm vào chức vụ mới.

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên).

Còn ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) thì nhắc tới tình trạng cả họ làm quan, một biểu hiện của tham nhũng trong công tác cán bộ. Theo ĐB Dung, nhận diện rõ cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ, công chức để có biện pháp xử lý chưa nói là đã muộn vì hệ lụy là khôn lường.

ĐB Dung nhấn mạnh: “Vì nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta” và sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ”.

Cũng theo bà Dung, tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành, làm hư hỏng nền công vụ ngay tại cơ sở, làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, người dân không mấy tin tưởng vào lãnh đạo. Vì vậy "nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi" - ĐB Dung nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm