Bất ổn quản lý đất đai, xây dựng ở Bình Chánh - Bài 4

Những ‘nút thắt’ phải sớm gỡ ở Bình Chánh

Liên tục các số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh nhiều vấn đề để chứng minh quy hoạch Bình Chánh đang bị phá vỡ bởi nạn phân lô và xây dựng trái phép ồ ạt trong thời gian qua. 

Quy hoạch bị phá nát, huyện vẫn nói luôn quản lý chặt

Thực tế là vậy nhưng nghịch lý là dường như trong các báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, những con số vi phạm bị phát hiện và xử lý khiêm tốn hơn những gì đang xảy ra trong thực tế. Liên quan đến tình trạng xây dựng không phép, huyện Bình Chánh báo cáo ba năm trở lại đây kéo giảm mạnh, chỉ còn 800 công trình, giảm 700 công trình vi phạm so với giai đoạn trước đó. Phát hiện kịp thời và xử lý ngay từ đầu tăng lên, đạt tỉ lệ 80%. Huyện Bình Chánh cũng báo cáo số lượng căn nhà xây lụi từ năm 2015 đến nay chỉ còn 677 căn tồn lại chưa xử lý. Điều này rất trái ngược so với những ấp dân phố “lụi” đã được hình thành từ hàng ngàn căn nhà không phép như chúng tôi đã ghi nhận.

Liên quan đến tình trạng phân lô trái phép, trong các báo cáo gửi UBND TP và trong văn bản trả lời Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo huyện thể hiện có biết tình trạng phân lô trái phép đất nông nghiệp đang xảy ra tại một số xã, trong đó có hai xã Vĩnh Lộc A, B. Tuy nhiên, phân lô như thế nào, địa bàn nào xảy ra nhiều, đã có bao nhiêu hecta đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, cụ thể nằm ở đâu, ai đứng đằng sau tình trạng này… thì đến thời điểm này, huyện Bình Chánh chưa có báo cáo cụ thể.

Ở cấp xã, qua trao đổi với PV, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc B chỉ thống kê có khoảng 75 trường hợp phân lô đất nông nghiệp trái phép. Trong khi xã Vĩnh Lộc A gần như bị “băm” nát lâu nay nhưng đến thời điểm này, lãnh đạo xã này cho biết vẫn… đang cho rà soát.

Trong báo cáo gửi UBND TP hồi tháng 3 (sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh nạn xây nhà lụi), UBND huyện Bình Chánh vẫn khẳng định “không buông lỏng quản lý”. Đồng thời “xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng”, “có sự chỉ đạo xuyên suốt”…

Ngày 4-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình trạng phân lô, bán nền trái phép, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nói: “Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tập trung thực hiện công tác tuần tra, giám sát hằng ngày, phân công rõ khu vực, tuyến đường tuần tra, giám sát của từng cán bộ, công chức để phát hiện vi phạm ngay từ đầu, không để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng”. Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có hành vi móc nối, bao che, tiếp tay, thông đồng với các đầu nậu để tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp và san lấp, phân lô, bán nền hoặc xây dựng không phép. Chủ tịch huyện Bình Chánh tiếp tục khẳng định không có chuyện Vĩnh Lộc A, B bị “băm nát” như PV phản ánh.

Những căn nhà xây lụi trên đất nông nghiệp tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A. Ảnh: VIỆT HOA

Một căn nhà xây không phép trên đất nông nghiệp tại các tổ 16, 17, 18, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A. Xung quanh căn nhà này là hàng trăm nền đất được phân lô đã bị lực lượng chức năng xử lý đang còn nham nhở những móng gạch. Ảnh: VIỆT HOA

Chỉ 8% trên tổng diện tích được xây nhà ở riêng lẻ

Một trong những nghịch lý, cũng là nguyên nhân của những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chính là những bất cập về quy hoạch lâu nay của huyện Bình Chánh.

Theo tài liệu của UBND huyện Bình Chánh cung cấp cho PV, toàn huyện có tổng diện tích hơn 25.000 ha. Theo quy hoạch xây dựng, diện tích đất ở (gồm đất dân cư hiện hữu và đất dân cư xây mới) có gần 3.900 ha, chiếm khoảng 15,5% tổng quỹ đất. Trong đó, đất dân cư hiện hữu hơn 2.000 ha (chiếm 8,1%), còn lại là đất dân cư xây mới.

Theo quy định hiện hành, chỉ đất dân cư hiện hữu thì mới được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Như vậy, toàn huyện Bình Chánh chỉ có 8,1% diện tích đất ở là được xây nhà ở riêng lẻ hợp pháp. Trong khi đó, theo ông Trần Phú Lữ, hiện nay Bình Chánh là huyện có tốc độ đô thị hóa rất cao. Bình quân mỗi năm dân số tăng 25.000-30.000 người, bằng dân số của một xã.

Ông Lữ cũng cho biết một bất cập khác là hiện nay, với điều kiện thổ nhưỡng của huyện Bình Chánh, nhiều nơi không còn phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ tiêu đất nông nghiệp của Bình Chánh hiện nay vẫn phải tăng hơn 1.200 ha so với quy hoạch sử dụng đất kỳ trước đó.

Theo ông Lữ, trong tổng số gần 17.000 ha đất nông nghiệp, hiện nay có gần 3.000 ha không phù hợp để sản xuất nông nghiệp do nằm trong quy hoạch treo. “Một phần diện tích đất nông nghiệp bỏ trống do các dự án san lấp gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp, tiêu thoát nước, hệ thống thủy lợi…” - ông Lữ cho biết.

Huyện Bình Chánh cho biết cuối năm 2017, diện tích sản xuất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A là 1.437 ha và Vĩnh Lộc B là 1.100 ha nhưng thực tế diện tích sản xuất chỉ còn 200 ha. “Do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh nên diện tích đất nông nghiệp tại hai xã này giảm nhanh. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không tập trung, tình trạng ngập nước cục bộ, thoát nước kém, đầu ra không ổn định dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng nhiều” - huyện Bình Chánh nhận định.

“Chiếc áo” xã đã quá chật

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, Bình Chánh hiện nay đang có tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Số liệu thống kê của huyện này cho thấy thời điểm Bình Chánh chia tách địa giới hành chính vào năm 2004, toàn huyện chỉ có hơn 300.000 người. Trong vòng 15 năm, dân số của huyện tăng hơn hai lần. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A tăng gấp bốn lần, Vĩnh Lộc B tăng gần gấp ba lần (xem box). Cụ thể, hai xã này đã có dân số gần 120.000 dân (tương đương với một huyện) nhưng bộ máy quản lý nhà nước vẫn chỉ là cấp xã.

Chủ tịch huyện Bình Chánh cho biết thêm: Xét về quy mô diện tích huyện thì mỗi cán bộ, công chức phải phụ trách bình quân gần 100 ha đất, trong đó ở cấp xã là hơn 70 ha. “Áp lực ở các xã có dân cư đông là rất lớn nhưng số lượng cán bộ, công chức cũng bằng với xã ít dân cư, do đó dù đã cố gắng nhưng cũng không thể đảm đương hết nhiệm vụ” - ông Lữ nói.

Chủ tịch huyện Bình Chánh thông tin: Trước đó, Bình Chánh từng có báo cáo đề xuất UBND TP về xây dựng đề án thành lập quận (hoặc thị xã) Bình Chánh. “Tuy nhiên, sau đó Thường trực Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo tạm dừng do chưa đủ các tiêu chí theo quy định” - ông Lữ cho hay.

PV đặt vấn đề về kiến nghị chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước Bình Chánh từ cơ chế huyện sang mô hình thị xã. Theo đó, vừa có xã vừa có phường, phù hợp với huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhưng vẫn còn xã thuần nông, ông Lữ cho biết việc này ngoài tầm của huyện. “Để giải quyết khó khăn của các xã đô thị hóa, huyện đang khẩn trương thực hiện rà soát, tập trung phân loại đô thị với các xã đủ điều kiện. Sau khi được phân loại đô thị theo quy định thì sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất cơ chế cho phù hợp” - Chủ tịch huyện Bình Chánh nói.

Với quy mô dân số như hiện nay thì bình quân mỗi cán bộ, công chức hành chính của huyện phải phục vụ gần 2.700 người dân. Một công chức cấp xã phải phục vụ gần 2.000 dân. Riêng một cán bộ, công chức xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B phải phục vụ tới gần 5.000 dân. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy