Ráo riết bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú

Từ số định danh cá nhân cấp cho mỗi người dân thông qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, tới đây Bộ Công an sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT), chứng minh nhân dân (CMND) cùng nhiều thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan đến các loại giấy này.

Đơn giản hóa nhiều thủ tục thuộc Bộ Công an

Nghị quyết 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ đề ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng SHK bị bãi bỏ và được thay thế bằng hình thức quản lý thông qua số định danh cá nhân. Kết quả giải quyết thủ tục là SHK cũng bị bãi bỏ và được thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Cùng với đó, bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) được thay bằng một biểu mẫu mới (bao gồm nội dung về thay đổi nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có)), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên cơ sở dân cư nêu trên.

Tiếp nữa, giấy chuyển hộ khẩu (HK07) và giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng được bỏ.

Không chỉ có vậy, hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng STT sẽ được thay thế bằng hình thức quản lý thông qua số định danh cá nhân. Rồi thay vì giải quyết thủ tục theo STT, các cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tương ứng, CMND cũng bị bãi bỏ. Đi kèm theo việc bỏ hộ khẩu, CMND thì các cơ quan công an cũng đồng thời chấm dứt các yêu cầu người dân phải xuất trình hai giấy này khi đăng ký xe, cấp biển số xe… Trong các tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, bản khai lý lịch của người làm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự…, người dân không còn phải khai các thông tin cơ bản của cá nhân (như “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm...; Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú; Cha: Họ và tên...., sinh ngày...; Mẹ: Họ và tên...., sinh ngày...; Vợ/Chồng: Họ và tên..., sinh ngày...). Riêng phần khai về số CMND được thay bằng số định danh cá nhân.

12 là tổng các số tự nhiên có trong số định danh cá nhân với cấu trúc gồm sáu số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và sáu số là khoảng số ngẫu nhiên.

Số này được xác lập từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Từ 1-1-2016, toàn bộ trẻ em khi sinh ra được cấp số định danh và đến năm 14 tuổi thì được cấp thẻ căn cước công dân theo đúng số định danh này.

Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là một hệ cơ sở dữ liệu duy nhất được xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) được kết nối thống nhất, đồng bộ đến công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và công an xã, phường, thị trấn.

Cơ sở dữ liệu này thu thập, cập nhật các thông tin của công dân, gồm có họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó… 

“Bỏ sớm chừng nào tốt chừng đó”

Bà Tống Thị Phương (quận 9, TP.HCM) rất vui với các quy định mang tính đột phá trong cải cách TTHC nêu trên. Bà chia sẻ: “Tuy có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM nhưng lâu nay tôi và người thân vẫn thấy bất tiện, phiền toái với SHK. Cụ thể, gia đình tôi có bốn anh em đăng ký chung hộ khẩu. Khi chuyển về nhà mới, tôi buộc phải tách ra để làm SHK mới và cả bốn người đều mất thời gian làm bản khai, thực hiện thủ tục tách sổ. Theo lẽ chỉ mất 15 ngày làm sổ, tôi phải chờ thêm 15 ngày nữa vì quận làm sai. Trong thời gian này, do không có SHK mà em trai tôi mất một cơ hội xin việc làm, những công việc khác của gia đình như xác nhận sơ yếu lý lịch, mua xe, các hoạt động mua bán khác… cũng bị ngưng lại. Nếu bỏ SHK để chính quyền giải quyết các thủ tục theo số định danh cá nhân thì hiện đại, văn minh, đỡ rườm rà”.

Từng trần ai khi đi làm STT, ông Nông Văn Đại (làm nghề tài xế; ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng mong STT, SHK “bỏ sớm chừng nào tốt chừng đó”. Ông than vãn: “Lần đó, tôi phải đi đến ba lần mới gặp được cán bộ nhưng không phải cực khổ vậy mà có STT ngay. Tôi còn phải làm bản khai và có chút gì đó thì mọi thủ tục mới nhanh hơn được. STT khó vậy, SHK chắc còn khó gấp nhiều lần!”.

Hai lưu ý về việc bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú

Về thời điểm bỏ hộ khẩu, STT, CMND: Với việc Nghị quyết 112/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (30-10-2017), nhiều người nghĩ SHK, STT, CMND đã được bỏ từ ngày 30-10 nhưng thực ra không phải vậy.

Khi nghị quyết có hiệu lực, Bộ Công an buộc phải căn cứ vào phương án đơn giản hóa TTHC được nêu trong nghị quyết để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC, giấy tờ công dân theo các quy định hiện hành. Sau đó, Bộ Công an sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, thời điểm mà SHK, STT, CMND cùng các thủ tục có liên quan đến các loại giấy tờ này được chính thức thống nhất bãi bỏ trên thực tế sẽ tùy thuộc vào thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiện chưa được xác định cụ thể.

Tóm lại, tiến độ ra kết quả tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực triển khai của Bộ Công an. Trước mắt, các quy định về việc cấp SHK, STT… cùng những yêu cầu về các sổ này hay về các thông tin của cá nhân vẫn được tiếp tục thực hiện cho đến khi có quy định mới.

Về việc đăng ký nơi thường trú hay nơi ở hiện tại: Luật Căn cước công dân quy định công dân có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Đồng thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; cập nhật, thông báo kịp thời thông tin về công dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác.

Theo đó, do cơ sở dân cư quốc gia có thu thập, cập nhật thông tin về nơi thường trú, nơi ở hiện tại nên công dân sẽ phải cung cấp thông tin và kịp thời thông báo về các thay đổi.

Từ đó, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng việc bỏ SHK, STT không đồng nghĩa là bỏ luôn việc đăng ký nơi ở. Tất nhiên, cách thức đăng ký thế nào, tuy không còn cấp sổ nhưng thủ tục có khác gì so với thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú hiện tại thì phải chờ Bộ Công an ra văn bản hướng dẫn.

NGUYÊN THY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm