Thủ tục hành chính đường Vành đai 4 được giải quyết theo cơ chế nhanh nhất

(PLO)- Thủ tục hành chính cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ được ưu tiên đi luồng riêng, có cơ chế giải quyết nhanh, kịp thời nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự án đường vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8 km qua 15 quận huyện của 3 tỉnh thành (Hà Nội: 58,2 km, Hưng Yên:19,3 km, Bắc Ninh: 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km).

Trong đó đoạn 58,2 km tại địa bàn Hà Nội đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông) có khối lượng GPMB rất lớn, gồm 34.505 phương án. Tổng diện tích thu hồi 781,1 ha/58,2 km. Số hộ tái định cư là 1006 hộ tại 12 khu tái định cư với tổng diện tích gần 39 ha. Số mộ phải di chuyển lên tới 17.332 ngôi.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết:

“Theo kế hoạch UBND TP Hà Nội giao, tiến độ GPMB phải đạt 70% vào ngày 30-6-2023 để dự án kịp thời khởi công, và hoàn thành 100% vào ngày 31-12-2023. Đến nay 7/7 quận huyện của Hà Nội đã lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư, cũng như các tổ công tác để triển khai công tác GPMB theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn, nhất là di chuyển hơn 17 nghìn ngôi mộ phải thực hiện vào cuối năm, trong khi thời gian chỉ còn khoảng 2 tháng để thực hiện…”

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (ảnh: CTTĐT huyện Mê Linh)
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (ảnh: CTTĐT huyện Mê Linh)

Chạy đua từng ngày...

Trao đổi với PLO, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết đường vành đai 4 đi qua địa phận 5 xã thuộc huyện với tổng chiều dài 11,2 km. Qua rà soát, có khoảng 351 ngôi mộ trên địa bàn huyện cần di chuyển, trong đó có 266 ngôi mộ thuộc phạm vi tuyến đường vành đai 4, 85 ngôi mộ thuộc khu đất tái định cư cần di dời.

Hiện UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu di chuyển mộ, qua báo cáo cho thấy cần triển khai 4 dự án chỉnh trang nghĩa trang nhân dân tại các thôn để lấy quỹ đất tập kết các ngôi mộ cần di chuyển liên quan trực tiếp đến tuyến đường. Đến nay phía huyện đã di dời được khoảng 100 ngôi mộ, đạt khoảng 30% tiến độ.

“Phong tục của bà con là di dời mồ mả vào dịp cuối năm. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng nữa nên công việc rất gấp, phải chạy đua từng ngày. Hiện địa phương phải ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách để thực hiện việc di dời nhằm đảm bảo tiến độ GPMB cho dự án” - ông Tuấn thông tin.

Lập luồng thủ tục hành chính VIP cho dự án

Liên quan đến công tác GPMB đường vành đai 4, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết ngày 20-10, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3956/QĐ-UBND về việc ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô (đoạn qua địa bàn Hà Nội).

Theo đó, ngoài các chính sách chung, Hà Nội có cơ chế hỗ trợ thêm để khuyến khích người dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. “Ví dụ như việc hỗ trợ di chuyển mộ, để động viên người dân di chuyển mộ người thân sớm, đáp ứng tiến độ dự án, ngoài được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, TP hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/ngôi mộ cho trường hợp di chuyển mộ để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ” - ông Tấn thông tin.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: TP)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: TP)

Tại cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Mê Linh ngày 16-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định việc triển khai dự án đường vành đai 4 được lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

Ông cho hay chưa có dự án nào có sự ký kết thực hiện giữa Thường trực tỉnh, thành uỷ của 3 địa phương, và có chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ lãnh đạo các tỉnh thành đến các sở ngành, quận huyện cho tới chính quyền cơ sở cơ sở.

“Báo cáo với các ĐBQH và cử tri, dự án đường Vành đai 4 được thiết lập 1 quy trình hành chính riêng. Tất cả các thủ tục liên quan đến dự án đường vành đai 4 đều là đi hạng VIP, ưu tiên số 1, thông suốt từ cấp TP, sở ngành đến cấp quận huyện, cơ sở. Các khó khăn của các quận, huyện cũng được tháo gỡ nhanh và kịp thời nhất” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện có đường vành đai 4 đi qua tiếp tục đẩy mạnh việc GPMB, ưu tiên vốn đầu tư công được phân bổ cho địa phương để thực hiện công tác này.

Ông cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến các thôn, xã, người dân có sự hi sinh, chia sẻ nhường mặt bằng để thi công dự án.“Cái này trong quá trình công tác tôi cũng từng áp dụng. Chẳng hạn nếu địa phương kêu gọi được nguồn xã hội hoá về an sinh xã hội thì có cơ chế thưởng một nhà văn hoá, hay công trình hạ tầng… để khuyến khích các thôn, xã bàn giao mặt bằng sớm cho dự án” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm