Công việc chính của chị Chi là giảng viên thỉnh giảng cho các trường học với chuyên ngành nhà hàng khách sạn, việc sửa chữa này chỉ là thú vui của chị những lúc rảnh rỗi.
Với độ “mát tay” của mình, chị Chi đã chăm sóc, làm mới cho hàng nghìn thú nhồi bông trong suốt 7 năm qua. |
Tuỳ vào tình trạng của “bệnh nhân”, chị sẽ tư vấn trải nghiệm các dịch vụ tắm, thay bông, tẩm tinh dầu, lắp xương, may vết thương, tạo phụ kiện trang trí để thêm phần xinh xắn hơn. |
Theo chị, công đoạn đòi hỏi sự khéo léo nhất là phần nhồi bông cho gấu. Thiếu bông sẽ khiến gấu bị móp méo, bông quá nhiều lại làm căng, ảnh hưởng đường may. Thế nên người thợ phải tập trung quan sát, chú ý từng chi tiết để các bé gấu được nhồi bông đều đặn, có hồn nhất. |
Chị ưu tiên may tay hơn sử dụng máy, bởi như vậy các đường may sẽ sắc sảo, thẩm mỹ hơn. |
Mỗi bé gấu đưa đến chỗ chị Chi sẽ mất từ vài ngày đến vài tháng để sửa chữa xong. |
“Nếu hoạ sĩ muốn vẽ tranh đẹp phải có cảm hứng thì công việc làm mới thú nhồi bông này cũng vậy, cảm xúc rất quan trọng. Khi có đủ cảm xúc thì mới lựa chọn, quan sát, tạo hình phù hợp và có hồn cho từng bé gấu”, chị Chi chia sẻ. |
Một bé gấu lâu năm bị các “vết thương” khá nghiêm trọng, được chị Chi tu sửa, làm đẹp không tì vết. |
Thoạt nhìn mọi người sẽ nghĩ đây là một công việc đơn giản, chỉ cắt ra rồi chắp vá, may lại. Thế nhưng, chị Chi phủ nhận: “Việc sửa chữa đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận, biết cách quan sát và quan trọng phải có trí tưởng tượng, sáng tạo. Không phải cứ may là xong mà phải biết mường tượng đường đi của mũi kim để sửa các bé gấu cho hoàn hảo nhất và không để lộ dấu vết”. |
Một bé gấu size lớn được chị Chi đến tận nơi sửa chữa và hoàn thành trong 38 tiếng. |
Bạn Lê Ngọc Khuê Tú (ngụ quận 11, TP.HCM), quen biết chị Chi đã nhiều năm, chia sẻ: “Mình đã mang gấu bông đến sửa chữa được 5-6 lần. Gấu luôn được làm đẹp hơn, gọn và thơm hơn. Gần đây nhất thì mình mang đến một em gấu bông vừa mua lại của một bạn bị "bệnh" nặng. Mình muốn chị tân trang cho bé thật đẹp để có thể lưu giữ được lâu dài.” |
Với chị, mỗi bé gấu bông gắn liền một với câu chuyện, kỷ niệm khác nhau của chủ nhân, mỗi ngày được làm công việc này là chị lại được lắng nghe những tâm sự, thấu hiểu những cảm xúc để làm phong phú hơn cho cuộc sống của mình. |
Tại Việt Nam, việc sửa chữa cho thú nhồi bông chưa nhiều nên tài liệu về lĩnh vực này không phong phú. Chị Chi phải tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng kiến thức am hiểu về các loại vải, kỹ thuật đi kim của mình. Hiện tại để bắt kịp xu hướng, chị Chi còn “phẫu thuật chỉnh hình” cho các bé bằng việc thêm khung xương để tạo thế ngồi dễ dàng.
Bé gấu bông được chị Chi sửa chữa miễn phí dành tặng cho một bạn trẻ tại quận 10, TP.HCM. Bé gấu là kỷ vật đặc biệt liên quan đến một nhóm nhạc Hàn Quốc mà bạn thần tượng. Năm ấy, khi nhà xảy ra sự cố bị cháy, bạn đã cố cứu bé và mang đến "cầu cứu" chị Chi. |
Đến chỗ chị Chi nhận lại gấu bông, bạn Nguyễn Thị Như Bình (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vui mừng: “Đây là bé gấu gắn liền kỷ niệm với Idol của mình nên mình không muốn bỏ bé đi. Bé bị lem màu mực, đen ở phần tóc xuống mặt, nay đem qua chị đã làm sạch, còn trắng hơn cả lúc mới mua bé”. |