Trong tuần qua, Sở GTVT TP.HCM liên tiếp ra các văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị quản lý cầu, đường, điện, cấp thoát nước, cáp quang.... phải xử lý, khắc phục ngay mất mát, hư hỏng các nắp hầm ga, cống, hầm kỹ thuật, rào chắn công trình (lô cốt) gây mất an toàn cho người dân đi lại.
Đồng thời, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra, phát hiện các khuyết tật, rào chắn nguy hiểm và xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công bầy hầy....
Nhiều vị trí hầm ga mất nắp, mưa lầy đi lại nguy hiểm, khó khăn nên người dân phải cắm cây, lá để phòng tránh.
Thời gian qua, ở nhiều vị trí lô cốt, rào chắn hư hỏng, đường lồi lõm, lầy lội, cống mất nắp... Thanh tra giao thông chỉ đến đứng nhìn, ghi ghi, chép chép, chụp hình rồi lên xe đi. Hình ảnh Thanh tra giao thông chỉ đứng nhìn lô cốt, nắp hầm ga mất... đang gây thắc mắc trong nhân dân.
Về thắc mắc này, ông Phạm Lê Lâm, Phó đội trưởng Đội tham mưu, Thanh tra Sở GTVT, cho biết sau khi có chỉ đạo của Sở các đội thanh tra địa bàn đã tăng cường kiểm tra, phát hiện các bất cập, khuyết tật, hư hỏng của cầu đường, điểm rào chắn nguy hiểm.
Việc Thanh tra giao thông đến trước lô cốt ghi ghi, chép chép, chụp hình rồi lên xe đi gây thắc mắc trong dân.
"Quy trình tác nghiệp của các tổ, đội là đến hiện trường ghi nhận thực tế bằng hình ảnh, lập biên bản và gửi thông tin về các Khu quản lý giao thông đô thị (Khu), các quận, huyện quản lý công trình!" - ông Lâm cho biết.
Theo quy trình cũ, khi ghi nhận hiện trường, các tổ, đội phải gửi báo cáo về Thanh tra Sở. Sau đó, từ đây mới phát văn bản tới các Khu, quận, huyện có công trình để các nơi này biết và có biện pháp khắc phục. "Cách làm gửi - nhận văn bản, phản hồi kết quả khắc phục khuyết tật, bất cập cầu đường thường chậm 5-7 ngày!" - ông Lâm cho biết.
Cách thức gửi văn bản thông báo khuyết tật đến đơn vị quản lý công trình, chờ xử lý, khắc phục, phản hồi kết quả thường kéo dài nhiều ngày, qua nhiều cấp.
Thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT đã thiết lập năm nhóm phản ứng nhanh, ứng dụng trên Viber với tên giao diện Hạ Tầng GT. Hình ảnh, thông tin từ các tổ, đội kiểm tra thực địa được truyền dẫn, kết nối với các cán bộ phụ trách khai thác hạ tầng giao thông của bốn Khu và Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Ứng dụng Viber để thông tin, kiểm tra, xử lý kịp thời xe dừng đậu không đúng nới quy định, xâm hại công trình giao thông, công viên, cây xanh.
Thông tin được chuyển tới đơn vị quản lý và xử lý ngay khuyết tật.
Theo ông Lâm qua thời gian ứng dụng Viber giao diện Hạ Tầng GT thời gian từ kiểm tra, phát hiện, thông tin tới xử lý, khắc phục các khuyết tật, bất cập của cầu đường đã diễn ra nhanh, gọn hơn.
Riêng các trường hợp vi phạm về rào chắn, Thanh tra giao thông chụp hình làm bằng chứng, lập biên bản để xử lý theo quy trình. "Vì vậy không có chuyện Thanh tra giao thông chỉ đứng nhìn lô cốt, chụp hình rồi bỏ đi!" - ông Phạm Lê Lâm nói.