“Chỉ là mấy bộ chén dĩa mẻ với mớ đồ lạc xoong, bình bông, bình tích hồi mấy chục năm về trước” - ông nói.
Ngày trước, ông Mỹ bán hoa dạo dọc mấy con đường ngoài ngã sáu chùa bà Thiên Hậu. Tuổi đã già, khách mua ngày càng ít, lại phải chạy lấy hoa ở tận Củ Chi, cầm cự không nổi, ông Mỹ đành chia tay cái nghề đã theo mình suốt quãng đời kham khổ.
Bỏ việc ít lâu, ông để ý mấy bà ve chai chạy ngang nhà hay chở những mâm đồng, nón cối, đồ mỹ nghệ cũ của đất Bình Dương. Sẵn trong nhà có ít đồ na ná vậy, ông bàn với người em trai khi ấy đang chạy xe ôm hùn vốn mua lại hết thảy, mượn cái hiên nhà của người chị làm nơi hành nghề.
Khách đến mua hàng chủ yếu là những bạn già, dân chơi đồ cổ. Họ coi sạp này như nơi gặp gỡ, tìm lại quãng đời thanh xuân đã mất bên mớ kỷ vật xưa. Có người chỉ vì nghe danh cha của Phùng Ngọc bán hàng mà hiếu kỳ tạt vào, xem nhiều, mua chẳng bao nhiêu. Với sự vô chừng ấy, có ngày sạp đồ bán được vài trăm, lắm lúc mấy tuần liền, hai anh em ông Mỹ kiếm không ra một cắc.
Cha “thằng Cò” (phải) tiếp những người khách tìm đến mua đồ cũ. Ảnh: HOÀNG LÊ
Đợi chị trung niên ôm cặp tượng sành phóng xe vụt đi, ông Mỹ thổ lộ: “Cặp tượng sành đó mua mới cũng 1-2 triệu đồng nhưng thấy cổ yêu thích gốm sứ, bán rẻ 120.000 đồng thôi. Ngày xưa tôi cũng giống vậy, thấy đồ đó ham lắm nhưng nhà nghèo quá, tiền đâu có mà mua. Kệ, lời ít một chút mà người ta được vui, mình cũng vui lây”.
Người em trai tiếp lời: “Tôi nhớ nhất là mấy cái dĩa, cái tô của bà ngoại tôi. Mỗi lần đi học về lại thấy chúng đầy ắp bánh tét, khổ qua nhồi thịt. Nhìn đống đồ này, nhớ da diết cái kỷ niệm tuổi thơ…”. Có lẽ vì vậy mà khi gặp người chạy đến bán cái lư hương, cặp đèn dầu nhỏ, con cá sành bể trong hồ cá, anh em ông Mỹ vẫn cố gắng chạy chọt khắp xóm mượn tiền mua cho bằng được.
Như mọi lần vắng khách, ông Mỹ lấy cây đàn trên tường xuống, hát nghêu ngao. Tiếng guitar được tiếp thêm nguồn cảm hứng bởi những người bạn nhạc công lặn lội đường sá xa xôi từ Sài Gòn đến góp vui. Đó là nhạc công Minh Hùng, Minh Cường, Tám Râu, Ba Lộc... Lời ca, tiếng đàn của họ thu hút anh xe ôm, chị bán quần áo, cô xay nước mía… Những con người lao động chật vật gần đó tạm quên cuộc mưu sinh chạy đến lắng nghe.
Cha “thằng Cò” bảo cả đời chỉ yêu mỗi nhạc bolero. Bởi mỗi bài hát, mỗi giai điệu dường như đều là bước ngoặt của cuộc đời ông.
Hỏi anh Cò (Phùng Ngọc) có khi nào qua phụ bán hàng chưa, ông Mỹ khựng lại một lúc, rồi lắc đầu nhìn ra ngoài cửa: “Nó còn bận chạy ăn từng bữa, thời gian đâu mà đến phụ. Ngày xưa đi đóng phim, giờ thành thằng chạy xe ôm, hớt tóc dạo. Con tạo nó xoay vần nhanh lắm. Đã là thân cò thì phải lặn lội thôi”.
Đến đây, giọng ca người chủ có phần trầm xuống. Ông dạo phím đàn, hát như trút hết gan ruột: Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…