Ngày 22-7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
26 chương trình tín dụng, cho vay hơn 11.000 tỉ
Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng cho hay, 10 năm qua, toàn TP tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.
Tính đến 30-6-2024, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 3.800 tỉ đồng so với năm 2014. Trong đó, vốn Trung ương hơn 2.800 tỉ đồng, vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hơn 2.200 tỉ đồng.
Số dư huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đến ngày 30-6-2024 đạt hơn 202 tỉ đồng, tăng hơn 194 tỉ đồng so với năm 2014. Qua đó tạo điều kiện cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hành tiết kiệm, từng bước tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai 26 chương trình tín dụng với tổng cho vay từ năm 2014 đến nay đạt hơn 11.000 tỉ đồng, cho hơn 247.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 7.718 tỉ đồng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Đà Nẵng đến nay đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng gần 3.800 tỉ đồng so với năm 2014.
Tuy nhiên theo báo cáo, quá trình triển khai huy động nguồn lực tín dụng, hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho việc kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn ít.
Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/2014 đã đáp ứng nguyện vọng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Ông Hồ Kỳ Minh yêu cầu các ngành, địa phương cần có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện vươn lên.
Đà Nẵng sẽ bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Đà Nẵng cũng cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng đối ứng với vốn Trung ương nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Các địa phương phải hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng chính sách xã hội.