Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 12-5

Tính đến 6 giờ 45 ngày 12-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 286.986 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.250.862 ca nhiễm.

Như vậy, so với tối 11-5, số ca tử vong tăng 2.782, số ca nhiễm tăng 49.120.

Ngoài ra, có 1.525.193 bệnh nhân đã hồi phục trên toàn cầu.

Mỹ hơn 80.000 người chết, ông Trump thông báo tài trợ thêm 11 tỉ USD để xét nghiệm

Theo Worlometer, tính đến nay, số người tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã lên đến 81.703 trong tổng số 1.384.033 ca nhiễm khi gần như tất cả các bang đã thực hiện những bước đi nhằm nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Theo đài Channel News Asia, số người chết do COVID-19 tại Mỹ cao hơn số người chết do bệnh cúm mùa năm 1967 và số người tử vong trong 11 năm đầu của đại địch AIDS từ 1981-1992.

Xét nghiệm COVID-19 một người lái xe trong bãi đậu xe ở TP Milwaukee, bang Wisconsin của Mỹ. Đây là một trong hai địa điểm của TP mở xét nghiệm miễn phí. Ảnh: AP

Trong một báo cáo, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ hôm 11-5 cho hay số người chết do COVID-19 TP New York (bang New York) có thể cao hơn vài ngàn so với con số chính thức mà chính quyền địa phương công bố.

Bang New York trở thành nơi bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Mỹ với hơn 26.600 người chết.

Tổng thống Donald Trump hôm 11-5 thông báo viện trợ thêm 11 tỉ USD cho các bang, lãnh thổ và chính quyền bộ lạc của Mỹ để thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Số tiền này được ủy quyền theo Đạo luật viện trợ, cứu trợ và An ninh kinh tế virus Corona (CARES) mà Tổng thống Trump ký thành luật hồi 27-3.

“Khoản đầu tư lớn này sẽ đảm bảo rằng Mỹ tiếp tục tiến hành xét nghiệm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào tính đến nay”, ông Trump nói.

Tổng thống Trump lưu ý rằng Mỹ đến nay đã thực hiện 9 triệu lượt xét nghiệm COVID-19. Ông nói 300.000 xét nghiệm đang được thực hiện mỗi ngày, tăng gấp đôi công suất xét nghiệm chỉ trong vài tuần qua.

Hàng loạt nước nguy cơ tái bùng phát dịch khi nới phong tỏa

Tỉ lệ nhiễm giảm và số ca tử vong do COVID-19 theo ngày đi xuống khiến chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại kinh tế.

Tuy nhiên song song với đó, các quốc gia cũng có nguy cơ tái bùng phát dịch với các ca nhiễm mới xuất hiện ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Đức trong những ngày gần đây.

Người dân đeo khẩu trang khi mua sắm ở Gimpo, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Mặc dù được ca ngợi là nước ứng phó tốt với dịch COVID-19 khi mới bùng phát, Hàn Quốc ngày 11-5 chuẩn bị ngăn chặn một cụm lây nhiễm mới, đóng cửa tất cả quán bar và câu lạc bộ ở thủ đô Seoul.

Trong một bài phát biểu toàn quốc hôm 10-5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo rằng: “Dịch sẽ không kết thúc cho tới khi nó thực sự kết thúc”. Ông Moon thêm rằng cụm lây nhiễm mới cho thấy virus có thể lây lan rộng rãi bất cứ lúc nào.

Seoul dự kiến mở cửa trường học vào 13-5, song lãnh đạo giáo dục của TP đã đề xuất đẩy lùi thời gian mở cửa trường học thêm một tuần, theo hãng thông tấn Yonhap.

Hàn Quốc hiện ghi nhận 10.909 ca nhiễm và 256 ca tử vong.

Tại Trung Quốc, ngày 10-5 ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong hơn một tháng ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - vốn là nơi khởi phát dịch COVID-19 hồi cuối năm ngoái. Vũ Hán đã tháo gỡ lệnh phong tỏa cách đây một tháng.

Trung Quốc hiện ghi nhận 82.918 ca nhiễm và 4.633 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, với ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong tuần qua, chính phủ ngày 11-5 cho biết có thể gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia tại một số khu vực trong tuần này.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật cũng cảnh báo có thể khôi phục tình trạng khẩn cấp nếu có dấu hiệu dịch bùng phát trở lại.

Nhật Bản vẫn chứng kiến hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Ảnh: AP

Đáng chú ý, Shigeru Omi - cố vấn trong chính phủ Nhật Bản ngày 11-5 cảnh báo rằng: “Chắc chắn số ca nhiễm thực thế cao hơn con số chính thức. Tuy nhiên, không ai biết nó có thể cao hơn 10 lần, 12 lần hay 20 lần so với con số được báo cáo”.

Cảnh báo của ông Omi đưa ra trong bối cảnh chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe bị chỉ trích cố tình hạn chế xét nghiệm COVID-19.

Theo Our World in Data, một nhóm nghiên cứu tại ĐH Oxford (Anh), Nhật Bản chỉ tiến hành 1,68 xét nghiệm trên 1.000 người, trong khi đó, con số này tại Hàn Quốc là 12,95, Đức là 32,89 và New Zealand là 39,47.

Tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận 15.777 ca nhiễm, trong đó 624 người đã tử vong.

Tại Ấn Độ, các mạng lưới tàu lửa khổng lồ sẽ dần dần khôi phục hoạt động từ ngày 12-5 khi nước này nới lỏng phong tỏa. Các biện pháp hạn chế dự kiến được dỡ bỏ vào 17-5, song nhà chức trách ghi nhận sự tăng kỷ lục các trường hợp nhiễm trong những ngày gần đây.

Ấn Độ hiện ghi nhận 70.768 ca nhiễm và 2.294 ca tử vong.

Nhờ lệnh phong tỏa kéo dài bảy tuần - một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới đã giúp số trường hợp nhiễm COVID-19 đang điều trị tại New Zealand giảm xuống chỉ còn 70.

Diễn biến tích cực này đã mang lại cho Thủ tướng Jacinda Ardern và chính phủ của bà sự tự tin để giảm bớt các hạn chế của đất nước như các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng có thể hoạt động trở lại từ ngày 14-5.

Mặc dù vậy, bà Ardern vẫn thận trọng và cảnh báo rằng “không ai trong chúng ta có thể chắc chắn COVID-19 không ở bên chúng ta”.

New Zealand hiện ghi nhận 1.497 ca nhiễm và 21 ca tử vong.

Sự không chắc chắn này cũng diễn ra tại Đức, với ít nhất một quận buộc tái áp đặt lệnh hạn chế sau khi dịch bùng phát tại một nhà máy chế biến thịt. Và ngay cả khi Đức đã nới lỏng các hạn chế phong tỏa, số liệu mới nhất của Đức cũng cho thấy tỉ lệ lây nhiễm đang tăng trở lại.

Tính đến nay, Đức ghi nhận 172.576 ca nhiễm và 7.661 ca tử vong.

Nam giới dễ nhiễm COVID-19 hơn nữ giới

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Tim mạch châu Âu ngày 11-5 chỉ ra rằng máu của nam giới có chứa một loại enzyme với nồng độ cao hơn nữ giới khiến virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sử dụng để xâm nhập vào các tế bào, theo hãng tin Reuters.

Một người đàn ông đến trung tâm y tế đa khoa Novomoskovsk dành cho những bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 ở Moscow (Nga). Ảnh: TASS

Loại enzyme này có tên Angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) được phát hiện trong tim, thận và một số bộ phận khác trong cơ thể. Đối với dịch COVID-19, enzyme ACE2 được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình virus lây lan đến phổi.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors) hay thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) không làm gia tăng nồng độ enzyme ACE2 và vì thế không làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 đối với người sử dụng thuốc này. 

Đây là hai loại thuốc được kê đơn phổ biến cho các bệnh nhân suy tim, tiểu đường hoặc bệnh thận và mang lại doanh số toàn cầu lên tới hàng tỉ USD.

“Những phát hiện của chúng tôi không ủng hộ cho việc ngưng sử dụng các loại thuốc này ở những bệnh nhân COVID-19”, ông  Adriaan Voors - Giáo sư tim mạch tại Trung tâm y tế ĐH Groningen ở Hà Lan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm