Tính đến 6 giờ 15 sáng 15-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 302.974 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.519.257 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối 14-5, số ca tử vong tăng 4.234, số ca nhiễm tăng 66.437.
Ngoài ra, trên toàn thế giới có 1.699.415 bệnh nhân đã hồi phục.
Tây Ban Nha: Ca tử vong tăng mạnh trở lại, nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai
Sồ người chết do COVID-19 tại Tây Ban Nga ngày 14-5 tăng đến mức cao nhất trong một tuần. Trong khi đó, nhà chức trách cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai sau khi một cuộc điều tra về kháng thể trên toàn quốc cho thấy 5% dân số đã nhiễm virus.
Hành lang của TP cổ ở Pamplona, miền bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Cụ thể, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca tử vong do COVID-19 hôm 14-5 tăng thêm 217 người, tăng so với con số 184 vào ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8-5 số ca tử vong theo ngày tăng trên 200.
Ông Fernando Simón, người đứng đầu Trung tâm y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha nói rằng chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng này. Hơn một nửa số ca tử vong mới được ghi nhận tại một vùng là Catalonia.
“Chúng tôi đang làm việc với khu vực này để xác định ngày tử vong của các nạn nhân cũng như đánh giá xem liệu đây là những ca tử vong mới hay là do cập nhật chậm trễ” - ông Simon nói.
Tính đến ngày 14-5, Tây Ban Nha có 27.321 ca tử vong và tổng ca nhiễm là 229.540 mặc dù kết quả xét nghiệm kháng thể đối với 60.000 người trên khắp Tây Ban Nha cho thấy 2,3 triệu người đã nhiễm bênh.
Các kết quả sơ bộ cho thấy 5% dân số Tây Ban Nha, tương đương 2,3 triệu người trong 47 triệu dân, tiếp xúc với virus. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Như vậy có nghĩa là làn sóng lây nhiễm thứ hai có khả năng xảy ra ở Tây Ban Nha nếu các biện pháp khống chế dịch không được thực hiện, ông Simon cảnh báo.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có dịch COVID-19 nghiêm trọng. Số ca tử vong theo ngày tại Tây Ban Nha đã giảm xuống mức đáng kể trong sáu tuần qua.
Tây Ban Nha đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm giúp kiềm chế dịch lây lan. Tây Ban Nha đang dần dần nới lỏng phong tỏa.
COVID-19 bùng phát khắp châu Phi
Từ Nam Phi, Ghana cho tới Nigeria, các quốc gia châu Phi giờ đây đang nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 khi các điểm nóng dịch xuất hiện trên khắp châu lục.
Tại Ghana, hơn 500 công nhân tại một nhà máy chế biến cá xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tại Nam Phi, TP Cape Town trở thành tâm dịch của nước này. Tại Đông Phi, xuất hiện lo ngại ngày càng tăng việc các tài xế xe tải - những người vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới trở thành những người siêu lây nhiễm.
Các thành viên của một hội từ thiện địa phương phân phát thức ăn ở Vrededorp, ngoại ô TP Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP
Ban đầu, châu Phi không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch như Mỹ, châu Âu hay một số nước châu Á. Tuy nhiên, trong hai tuần qua, châu lục này chứng kiến sự gia tăng mạnh các trường hợp nhiễm COVID-19. Với việc Lesotho hôm 13-5 ghi nhận ca nhiễm đầu tiên thì tất cả 54 nước tại châu Phi hiện giờ đều xuất hiện COVID-19.
Phần lớn các quốc gia châu Phi đều đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, đình chỉ các chuyến bay quốc tế, cấm tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế virus lân lan. Các biện pháp này đã dường như có hiệu quả. Vào đầu tháng 5, châu Phi với dân số 1,3 tỉ người xác nhận 39.000 ca nhiễm và 1.640 ca tử vong.
Tuy nhiên, tính đến ngày 13-5, chưa đầy hai tuần sau đó, số ca nhiễm đã tăng lên hơn 70.000 và ca tử vong tăng lên tới 2.389. Nhiều quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, thiếu đội ngũ nhân viên y tế và trang thiết bị đã buộc phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài về bộ dụng cụ xét nghiệm, trang bị phòng thí nghiệm và bệnh viện.
Kể từ ngày 1-5, Nam Phi, Nigeria và Ghana - những nước bắt đầu nới lỏng biện pháp phong tỏa để mở cửa doanh nghiệp - đã tăng gấp đôi ca nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Phi có thể trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.
Tuần trước, WHO dự báo rằng nếu các biện pháp khống chế dịch thất bại, châu Phi có thể chứng kiến từ 29 triệu đến 44 triệu ca nhiễm trong năm đầu tiên của đại dịch với 83.000-190.000 người tử vong.