Tính đến 6 giờ 30 sáng 16-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 134.072 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 2.074.046 ca nhiễm.
Như vậy, so với số liệu tối qua, số ca tử vong tăng thêm 6.248 người, số ca nhiễm tăng 57.734 người. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 509.547 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 17.608 người so với số liệu tối qua.
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt 2 triệu người
Tính đến sáng 16-4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt 2 triệu người. Số ca nhiễm đã gia tăng gấp đôi chỉ trong hai tuần, kể từ khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca nhiễm vào ngày 2-4.
Trong đó, Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 641.762 ca, tiếp theo là Tây Ban Nha với 177.644 ca và Ý với 165.155 ca.
Trên toàn thế giới, số người chết vì căn bệnh này cũng đã là 134.072 người. Trong số này, có ít nhất 28.442 người đã tử vong ở Mỹ, 21.645 người ở Ý và 18.708 người ở Tây Ban Nha.
Đại dịch đã lan rộng đến hầu hết mọi nơi trên thế giới và hiện chỉ có khoảng một chục quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới chưa báo cáo ca nhiễm. Phần lớn trong số này là các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, bao gồm Vanuatu, Tuvalu và Palau, theo đài CNN.
Ông Trump nói Mỹ đã qua đỉnh dịch
Theo trang thống kê Worldometer, tính đến sáng 16-4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã có ít nhất 641.762 ca nhiễm và 28.442 ca tử vong vì COVID-19, tăng 27.876 ca nhiễm và 2.395 ca tử vong trong vòng 24 giờ.
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15-4. Ảnh: GETTY
Hiện bệnh dịch đã lan rộng trên khắp nước Mỹ, bao gồm 50 tiểu bang, hạt Columbia và các vùng lãnh thổ khác của Mỹ.
New York vẫn là tâm dịch ở Mỹ. Trong ngày 15-4, bang này báo cáo thêm 10.656 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn tiểu bang lên thành 213.779 ca. Số ca tử vong ở tiểu bang này cũng tăng thêm 752 ca, lên thành 11.586, văn phòng Thống đốc Andrew Cuomo cho biết.
Tổng thống Donald Trump hôm 15-4 nói rằng dữ liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt đỉnh điểm. Cụ thể, tại các thành phố Detroit và Denver, các đường cong đã dần phẳng. Ở các thành phố khác như New York, Washington D.C., Baltimore, Philadelphia…, số ca nhiễm đã bắt đầu giảm.
Ông cũng cho biết chính phủ sẽ ban bố các hướng dẫn mới liên quan đến việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong khi đợi khôi phục kinh tế vào hôm nay (16-4).
70.000 y tá ở Tây Ban Nha có thể đã nhiễm COVID-19
Theo những phát hiện ban đầu trong một nghiên cứu mới của Đại học Điều dưỡng Tây Ban Nha, khoảng 1/3 (tương đương khoảng 70.000) y tá ở Tây Ban Nha có thể đã bị nhiễm COVID-19.
Gần 30% y tá được khảo sát qua email cho biết họ có triệu chứng nhiễm COVID-19, cơ quan chuyên môn của ngành điều dưỡng Tây Ban Nha cho biết. Khoảng 75% trong số đó nói rằng họ có thể đã bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc và 35% cho rằng tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ là nguyên nhân chính khiến họ bị lây nhiễm.
Nhân viên y tế ở Barcelona, Tây Ban Nha đang hỗ trợ bệnh nhân. Ảnh: AP
Tính đến nay, chính phủ Tây Ban Nha cho biết 27.758 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã xét nghiệm dương tính với bệnh COVID-19, chiếm khoảng 15% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Trong đó, nhiều nhân viên y tế đã tử vong vì căn bệnh này.
Tính đến nay, Tây Ban Nha đã có 177.644 ca nhiễm và 18.708 ca tử vong vì dịch bệnh. Tình hình ở quốc gia này cũng đã có nhiều dấu hiệu khả quan khi số ca nhiễm và tử vong giảm liên tục những ngày gần đây.
Canada tiếp tục phong tỏa nhiều tuần
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 15-4 cảnh báo Canada sẽ tiếp tục phong tỏa trên toàn quốc trong nhiều tuần nữa, dù tình hình dịch bệnh ở nước này được đánh giá là không quá tồi tệ.
"Nếu chúng ta mở cửa trở lại quá sớm, mọi thứ chúng ta đang cố gắng sẽ thành công cốc” - Thủ tướng Trudeau nói tại cuộc họp báo ở Ottawa.
Tính đến ngày 15-4, Canada đã ghi nhận ít nhất 28.205 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.006 ca tử vong. Các con số này vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Trudeau nói rằng Canada sẽ vẫn tiếp tục phong tỏa và chắc chắn rằng đến ngày 1-5, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn tiếp tục được duy trì.
"Thật tồi tệ nếu chúng ta dỡ bỏ các hạn chế quá sớm và lại đón một làn sóng lây nhiễm mới” - Thủ tướng Canada nhấn mạnh.
Một số cửa hàng ở Đức được mở cửa trở lại
Tại Đức, các hạn chế áp dụng cho nhiều cửa hàng từ khi dịch COVID-19 bùng phát sẽ bắt đầu được nới lỏng trong tuần tới trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Angela Merkel cho biết hôm 15-4.
Nhiều cửa hàng ở Frankfurt, Đức đã bị đóng cửa do dịch COVID-19. Ảnh: AP
Các cửa hàng được mở lại phải có diện tích tối thiểu 800 m2 để vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn cho người mua sắm, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh.
Các trường học cũng sẽ dần được mở lại vào ngày 4-5, ưu tiên các lớp tiểu học và học sinh trung học năm cuối cấp.
Đồng thời, Đức cũng sẽ nới lỏng “lệnh cấm liên lạc'' từ ngày 3-5. Lệnh này trước đó quy định không quá hai người có thể gặp nhau ở nơi công cộng, ngoại trừ nhóm người đang sống trong cùng một nhà. Các sự kiện công cộng lớn vẫn tiếp tục bị cấm cho đến tháng 8.
Bà Merkel cho biết nhà chức trách cũng sẽ khuyến nghị mọi người đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và lúc đi mua sắm.