Tính đến 19 giờ ngày 10-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận thế giới đã mất 96.966 người vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 1.619.073 ca nhiễm.
Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.435 ca, số ca nhiễm tăng 19.262 ca.
Ngoài ra, toàn thế giới có 365.847 người được chữa khỏi, tăng 10.336 ca so với số liệu sáng 10-4.
10 quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Ý (18.279), Mỹ (16.697), Tây Ban Nha (15.843), Pháp (12.210), Anh (7.978), Iran (4.232), Trung Quốc (3.336), Bỉ (3.019), Đức (2.607), Hà Lan (2.396).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (468.895), Tây Ban Nha (157.022), Ý (143.626), Đức (118.235), Pháp (117.749), Trung Quốc (81.907), Iran (68.192), Anh (65.077), Thổ Nhĩ Kỳ (42.282), Bỉ (26.667).
Mỹ: Bang New York có số ca nhiễm cao hơn bất kỳ quốc gia nào
Theo trang Worldometer, trong 16.697 người qua đời vì COVID-19 tại Mỹ thì đến 42,3% là tại bang New York (7.067). Trong tổng số 468.895 ca nhiễm tại Mỹ, khoảng 162.000 ca là tại New York (gần 35% cả nước). Số ca nhiễm ở bang New York cũng cao hơn số ca nhiễm của bất kỳ quốc gia nào khác.
New York chôn cất tập thể bệnh nhân tử vong vì COVID-19 trên đảo Hart. Ảnh: AP
Theo các mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại ĐH Washington ở TP Seattle, bang Washington, cuối tuần này sẽ là thời điểm Mỹ có số ca tử vong trong ngày cao nhất.
Theo tính toán của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại ĐH Washington, đến tháng 8 sẽ có tổng cộng 60.415 người tại Mỹ qua đời do COVID-19, với điều kiện các chính sách giãn cách xã hội tiếp tục đến tháng 5. Dự báo này giảm so với con số dự báo 82.000 đưa ra hồi đầu tuần.
Tây Ban Nha: Số người chết hằng ngày tiếp tục giảm
Ngày 10-4, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số người chết hằng ngày do COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm. Số người chết trong 24 giờ qua là 605, giảm so với 683 ca trong ngày trước đó.
Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 4.576 ca nhiễm mới. Như vậy, số ca nhiễm và tử vong tại Tây Ban Nha đến nay lần lượt là 157.022 và 15.843.
“Chúng tôi đã đạt đến đỉnh dịch và bây giờ bắt đầu xuống thang” - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói tại Quốc hội hôm 9-4.
Khử trùng một phòng bệnh sau khi một bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tại BV ĐH Bellvitge, gần Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: GETTY
Iran: Hơn một nửa bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục
Ngày 10-4, người phát ngôn Bộ Y tế Iran - ông Kianush Jahanpur cho hay hơn một nửa bệnh nhân COVID-19 tại Iran đã hồi phục. Ông cũng cho biết Iran có thêm 1.972 ca nhiễm và 122 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 của Iran đến nay là 68.192, tổng số ca tử vong COVID-19 là 4.232 người.
Ông Jahanpur nói thêm đã có 35.465 bệnh nhân đã hồi phục - chiếm hơn 50% số ca nhiễm tại nước này. Vẫn còn 3.696 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch tại Iran.
Yemen có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Yemen vừa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, vài tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về hậu quả thảm khốc đối với đất nước này do COVID-19.
Ủy ban phụ trách vấn đề khẩn cấp quốc gia tối cao của Yemen đã xác nhận về trường hợp này và cho biết bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định, được chăm sóc về y tế.
Khử trùng tại thủ đô Sanaa (Yemen). Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Nasser Baoum - Bộ trưởng Y tế của chính phủ Yemen nói với AP rằng bệnh nhân là người Yemen 73 tuổi, làm việc tại cảng al-Shahr ở tỉnh Hadramawt.
Theo hãng tin AFP, dịch COVID-19 xảy ra ở nước này sẽ là một thách thức vì Yemen không còn nhiều nguồn lực để đối phó với dịch bệnh do bị chiến tranh tàn phá.
Hôm 5-4, liên quân Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu chống nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn kéo dài hai tuần. Liên quân cho biết lệnh ngừng bắn nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chấm dứt các hành động thù địch ở Yemen nhằm dọn đường để ứng phó với COVID-19.
Đông Nam Á: Malaysia nhìn thấy tín hiệu tích cực
Chiều 10-4, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này có thêm 219 ca nhiễm và 26 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt là 3.512 và 306.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này chiều 10-4 thông báo thêm 18 người tử vong vì COVID-19 và 119 người nhiễm bệnh.
Với các con số trên, quốc gia Đông Nam Á này hiện có 221 ca tử vong trong tổng 4.195 ca nhiễm.
Philippines cũng có thêm 16 bệnh nhân được chữa khỏi, nâng số người hồi phục tại đây lên 140.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP
Ông Jose P. Santiago Jr, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Philippines, cho biết đã có 21 nhân viên y tế nước này qua đời. Ông Santiago cho rằng nguyên nhân là do thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân.
Hôm 8-4, Bộ Y tế Philippines cho biết tính đến nay 252 nhân viên chăm sóc sức khỏe của nước này đã nhiễm COVID-19.
Tháng trước, các quan chức y tế Philippines cho hay họ đang phân phát một triệu bộ đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế ở Luzon - hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất của Philippines.
Tại Thái Lan, chiều 10-4, ông Taweesin Wisanuyothin - người phát ngôn của Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của chính phủ cho biết nước này có thêm 50 bệnh nhân COVID-19 và một ca tử vong là một phụ nữ 43 tuổi.
Trong số 50 ca bệnh mới, có 27 người liên quan tới các ca nhiễm trước và tám người đang chờ điều tra nguồn lây bệnh, ba ca là người nước ngoài, ông Wisanuyothin nói.
Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.473 ca nhiễm, trong đó 33 người đã tử vong. 1.013 bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện.
Tại Malaysia, chiều 10-4, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 118 ca nhiễm và ba ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên 4.346 và 70.
Ngoài ra, Malaysia cũng có thêm 222 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số trường hợp hồi phục tại đây lên 1.830.
“Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca xuất viện cao hơn số ca nhiễm mới” - Bộ Y tế Malaysia cho biết.
Cũng trong ngày 10-4, Malaysia thông báo kéo dài lệnh kiểm soát di chuyển thêm 14 ngày, tức là sẽ kết thúc vào ngày 28-4.
“Số ca dương tính hằng ngày cũng đã giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục trong hai tuần tới, chúng ta có thể ngăn COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, chúng ta không thể coi nhẹ tình hình. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc” - Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói ngày 10-4.
Virus SARS-CoV-2 có thể nhân lên nhanh chóng trong cổ họng con người
Các nhà khoa học Đức cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể nhân lên nhanh chóng trong cổ họng con người khiến nó dễ lây lan hơn so với virus Corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), theo báo South China Morning Post (SCMP).
Nghiên cứu trên do các nhà khoa học tại BV ĐH Charité ở Berlin (Đức), Phòng khám Schwabing ở Munich (Đức) và tại Cambridge (Anh) thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Nature hôm 1-4.
Xét nghiệm COVID-19 tại Dubai. Ảnh: Gulf News
Nghiên cứu dựa trên kết quả điều trị lâm sàng của một nhóm chín bệnh nhân COVID-19. Đây là những người có triệu chứng nhẹ và lứa tuổi từ trẻ tới trung niên và đã được điều trị tại bệnh viện ở Munich.
Nghiên cứu chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua giọt bắn của người bệnh.
Dịch họng lấy từ các bệnh nhân trong tuần đầu xuất hiện triệu chứng đều cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, dịch họng của bệnh nhân mắc hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) ở thời điểm tương tự chỉ cho ra chưa đến 40% kết quả dương tính.
“Ngoài ra, lượng virus cũng khác nhau một cách đáng kể (giữa bệnh nhân SARS và bệnh nhân COVID-19). Trong nghiên cứu, mật độ cực đại của virus gây nên COVID-19 đã xuất hiện trước ngày thứ năm và cao gấp 1.000 lần so với bệnh SARS ở thời điểm cực đỉnh. Điều này cho thấy chủng virus gây dịch COVID-19 đã tự nhân lên gấp bội ở các tế bào của đường hô hấp trên” - các nhà nghiên cứu cho biết.
Giống như chủng virus Corona gây dịch SARS, virus SARS-CoV-2 có các gai protein giúp nó hợp nhất với một thụ thể trong tế bào của người, có tên gọi ACE2, cho phép virus xâm nhập vào tế bào. Những thụ thể này xuất hiện nhiều hơn ở đường hô hấp dưới, điều này giúp giải thích tại sao bệnh nhân thường dễ bị tổn thương phổi khi mắc SARS và COVID-19.
Tuy nhiên, các gai của SARS-CoV-2 có những đặc tính vượt trội khiến nó kết nối tốt hơn với tế bào của con người so với virus gây bệnh SARS.
Các nhà nghiên cứu Đức nói rằng nhờ đặc tính này mà virus có thể xuất hiện với mật độ cao ở đường hô hấp trên, mặc dù bộ phận này có ít thụ thể ACE2 hơn đường hô hấp dưới. Điều này đưa tới phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 không những chỉ nhân số lượng ở phổi mà còn nhân số lượng ở cổ họng.
Theo nghiên cứu, virus gây bệnh COVID-19 giống virus gây dịch SARS ở khả năng tự sao chép trong phổi và đường tiêu hóa. Nhưng SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn bởi nó có thể sinh sôi với số lượng lớn trong cổ họng người bệnh và sau đó lây lan qua các giọt bắn của người bệnh.