Tính đến 18 giờ 50 phút ngày 17-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 147.512 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 2.197.164 ca nhiễm.
Một người dân hít khí trời tại bãi biển Sandymount ở thủ đô Dublin của Ireland. Ảnh: SHUTTTERSTOCK
Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 2.134 ca, số ca nhiễm tăng 17.592 ca.
Ngoài ra, toàn thế giới ghi nhận 557.618 bệnh nhân hồi phục.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (34.641), Ý (22.170), Tây Ban Nha (19.478), Pháp (17.920), Anh (13.729), Bỉ (5.163), Iran (4.869) Trung Quốc (4.632), Đức (4.098), Hà Lan (3.315).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (678.210), Tây Ban Nha (188.068), Ý (168.941), Pháp (165.027), Đức (138.221), Anh (103.093), Trung Quốc (82.692), Iran (79.494), Thổ Nhĩ Kỳ (74.193), Bỉ (36.138).
Số ca tử vong mới của Iran tiếp tục dưới 100
Bộ Y tế Iran ngày 17-4 thông báo trong 24 giờ qua nước này có thêm 89 người tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 4.958.
Iran hiện có 79.494 ca nhiễm COVID-19 sau khi tăng thêm 1.499 ca trong 24 giờ qua, trong đó 3.563 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Một báo cáo hồi đầu tuần của Quốc hội Iran cho biết số người chết vì COVID-19 của nước này có thể gấp đôi con số mà Bộ Y tế công bố và số ca nhiễm cao hơn 8-10 lần con số chính thức.
Đức: Tỉ lệ lây nhiễm giảm đáng kể nhưng người già vẫn có nguy cơ cao
Tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Đức đã giảm đáng kể, với hiện giờ bình quân mỗi bệnh nhân lây cho ít hơn một người, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của chính phủ Đức cho biết.
Một nhân viên bệnh viện lấy mẫu từ một y tá tại một điểm xét nghiệm dành cho nhân viên y tế ở Đức. Ảnh: AFP
Viện Robert Koch (RKI) cho hay tỉ lệ lây nhiễm của Đức hiện ở mức 0.7, tức là 10 bệnh nhân COVID-19 sẽ chỉ lây cho bảy người khác, dẫn đến số ca nhiễm mới theo ngày giảm.
Tuy nhiên, RKI cũng cảnh báo rằng các ca bệnh được dự báo ở những người trên 80 tuổi đặc biệt đang tăng mạnh. Điều này có thể dẫn tới sự tăng lên đáng kể số bệnh nhân cần nhập viện và chăm sóc tích cực.
Ngày 15-4 Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ít nhất ngày 3-5, mặc dù có nới lỏng một số hạn chế để cho phép các doanh nghiệp nhỏ và những nơi công cộng hoạt động trở lại.
Theo thống kê của RKI ngày 17-4, Đức ghi nhận thêm 3.380 ca nhiễm COVID-19 và 299 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Có 81.800 bệnh nhân hồi phục tại Đức sau khi tăng thêm 4.700 ca trong 24 giờ qua.
Bang Bavaria ở phía nam là nơi có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Đức với 36.027 ca, theo sau là bang North Rhine-Westphalia với 27.030 ca và bang Baden-Wurttemberg với 26.543 ca. Thủ đô Berlin đến nay xác nhận 4.945 bệnh nhân COVID-19.
Đông Nam Á: Indonesia có nhiều ca nhiễm nhất
Tại Philippines, ngày 17-4, Bộ Y tế nước này báo cáo thêm 25 ca tử vong do COVID-19 và 218 ca nhiễm.
Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Philippines là 5.878 và tổng ca tử vong là 387. Có thêm 52 bệnh nhân được chữa khỏi, nâng tổng bệnh nhân COVID-19 hồi phục tại đây lên 487.
Tại Indonesia, ngày 17-4 Bộ Y tế nước này thông báo thêm 407 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân tại đây lên 5.923. Như vậy, Indonesia đã bỏ qua Philippines trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin - người phát ngôn của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ, cho biết ngày 17-4 nước này ghi nhận thêm 28 ca nhiễm COVID-19 và một ca tử vong là một cụ bà 85 tuổi.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1, Thái Lan có 2.700 ca nhiễm, trong đó 47 người đã qua đời. 1.689 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện tại nước này.
Ký túc xá Leo ở số 25, đường Kaki Bukit được thông báo là cụm lây nhiễm mới tại Singapore. Ảnh: STRAIT TIMES
Tại Singapore, ngày 17-4, Bộ Y tế Singapore thông báo thêm 623 ca nhiễm, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 5.050.
Bộ Y tế Singapore cho hay phần lớn trong số các ca nhiễm này là những người lao động nước ngoài sống trong các khu ký túc xá.
Khoảng 323.000 người lao động nhập cư sinh sống trong các điều kiện chật chội đã trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến chống COVID-19 tại đảo quốc sư tử. Tính đến ngày 16-4, số bệnh nhân COVID-19 có liên quan tới những người lao động nước ngoài chiếm 61% tổng ca nhiễm tại Singapore.
Bộ Y tế Singapore ngày 16-4 cho biết có năm cụm lây nhiễm mới có liên quan tới các khu ký túc xá dành cho lao động nước ngoài.
Singapore không có ca bệnh “nhập khẩu” nào trong ngày thứ bảy liên tiếp. Số người tử vong vì COVID-19 tại Singapore đến nay dừng ở con số 10.
Chính phủ Singapore đang xem xét sử dụng tàu du lịch làm nơi ở cho những người lao động nước ngoài nhiễm COVID-19 đã hồi phục và xét nghiệm âm tính với COVID-19, theo thông cáo của Bộ Du lịch Singapore.
Theo Bộ Du lịch Singapore, khả năng đưa người lao động lên các tàu du lịch nhằm quản lý tốt hơn việc lây truyền COVID-19 và cho phép các biện pháp y tế được thực thi hiệu quả tại những ký túc xá hiện tại.
Tại Malaysia, ngày 17-4, Bộ Y tế nước này thông báo 69 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất theo ngày kể từ khi chính phủ áp biện pháp hạn chế di chuyển và kinh doanh hôm 18-3. Con số này nâng tổng ca nhiễm tại Malaysia lên 5.251.
Ngoài ra, Bộ Y tế Malaysia thông báo thêm hai ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 tại đây lên 86.
WHO: Châu Phi có thể có 10 triệu ca nhiễm COVID-19 trong sáu tháng
Ông Michel Yao, người đứng đầu chiến dịch khẩn cấp của WHO tại châu Phi, cho biết số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi có thể tăng vọt từ hàng ngàn vào thời điểm hiện nay lên tới 10 triệu trong vòng 3-6 tháng.
Tuy nhiên, ông Yao cho hay dự báo này có thể thay đổi. Ông nhấn mạnh rằng những dự báo về trường hợp xấu nhất trong dịch Ebola đã không đúng bởi vì mọi người đã thay đổi hành vi kịp thời.
Châu Phi đến nay có khoảng 900 người tử vong vì COVID-19, tương đối thấp so với các khu vực khác. Ảnh: REUTERS
Châu lục nghèo nhất thế giới đến nay có hơn 17.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó khoảng 900 người đã tử vong - tương đối ít hơn so với những khu vực khác.
Tuy vậy, vẫn có những lo ngại rằng các con số có thể phình ra và gây sức ép cho các dịch vụ y tế vốn yếu kém.
“Chúng tôi lo ngại rằng COVID-19 tiếp tục lây lan về mặt địa lý, giữa các quốc gia. Các con số tiếp tục tăng lên mỗi ngày” - Matshidiso Moeti - Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của WHO, nói.