Tính đến 19 giờ 20 tối 19-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 320.609 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.917.417 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 782, số ca nhiễm tăng 31.677.
Ngoài ra, thế giới cũng có 1.922.463 bệnh nhân đã hồi phục.
Trung Quốc: TP Thư Lan siết chặt phong tỏa, cảnh báo truy tố những ai vi phạm lệnh cách ly
TP Thư Lan, tỉnh Cát Lâm thuộc đông bắc Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phong tỏa sau khi ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng cách đây hơn một tuần. Đáng chú ý, cụm lây nhiễm mới này chưa xác định được nguồn lây.
Một nhân viên y tế lấy mẫu để xét nghiệm COVID-19 tại TP Thư Lan, Trung Quốc. Ảnh: AP
Theo tuyên bố của chính quyền tỉnh Cát Lâm hôm 18-5, thể theo các quy định mới, mỗi hộ gia đình chỉ một người được phép ra khỏi nhà hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm. Mỗi lần đi như vậy bị giới hạn trong 2 giờ đồng hồ.
Tuyên bố cho biết thêm các cộng đồng có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sẽ bị phong tỏa và không ai được phép rời khỏi khu vực. Nhà chức trách cho biết họ sẽ cung cấp nhu yếu phẩm cho những hộ gia đình đó.
Tuần trước, chính quyền địa phương đã cấm tụ tập nơi công cộng và đóng cửa tất cả địa điểm giải trí trong TP. Các dịch vụ tàu lửa ra ngoài địa phương cũng bị đình chỉ.
Nhà chức trách Thư Lan đã cảnh báo những ai vi phạm các quy tắc cách ly sẽ bị truy tố.
Trong một tuyên bố ngày 19-5, cảnh sát Thư Lan cho biết những ai không tuân thủ yêu cầu không ra khỏi nhà hay cố che giấu các triệu chứng liên quan tới hô hấp sẽ đối mặt với mức phạt hành chính hoặc hình sự. Những ai lan truyền tin đồn hay thông tin sai lệch cũng sẽ chịu trách nhiệm.
Từ ngày 7-5 tới nay, TP Thư Lan với 700.000 dân đã xác nhận 19 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Nơi này được xem là khu vực nguy cơ cao hôm 10-5.
Tỉnh Cát Lâm là nơi có biên giới với cả Nga và Triều Tiên.
Ấn Độ, Bangladesh đối mặt thảm họa kép
Hàng triệu người dân ở Ấn Độ và Bangladesh đang đối mặt với một siêu bão có tên Amphan dự kiến đổ bộ trong chưa tới 36 giờ nữa. Siêu bão này sẽ mang theo gió mạnh và mưa lớn tới một khu vực vốn đang vật lộn với đại dịch COVID-19, theo đài CNN.
Siêu bão Amphan trở thành cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận tại vịnh Bengal với sức gió 270 km/giờ, theo dữ liệu từ Trung tâm cảnh báo bão liên hợp của Mỹ.
Một tình nguyện viên sử dụng loa để yêu cầu người dân sơ tán tránh bão Amphan ở Khulna, Bangladesh. Ảnh: GETTY IMAGES
Siêu bão ập đến khi cả Ấn Độ và Bangladesh đang gồng mình kiểm soát sự bùng phát dịch COVID-19. Theo Worldometer, Ấn Độ đến nay ghi nhận 101.261 ca nhiễm, trong đó 3.164 người tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Bangladesh tăng lên nhanh chóng với 25.121 ca nhiễm, trong đó 370 ca tử vong.
Việc xử lý hai thảm họa này cùng một lúc sẽ là thách thức cho cả hai chính phủ, đặc biệt khi họ nỗ lực duy trì giãn cách xã hội ở những trung tâm sơ tán và các trại khẩn cấp chật chội.
Các quan chức Bangladesh đang lên kế hoạch sơ tán khoảng 2 triệu người dọc khu vực ven biển khi siêu bão Amphan sắp đổ bộ.
Tại Ấn Độ, các quan chức cho hay 300.000 người ở các khu vực ven biển của Tây Bengal và Odisha đang nguy hiểm và có lẽ cũng cần phải sơ tán.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quản lý thảm họa Bangladesh cho biết nước này có khả năng sơ tán 9,1 triệu người tới nơi an toàn trong các nhà tránh bão trong khi đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ.
Đến nay, 5.000 người đã được sơ tán tới các nhà tránh bão tại hai quận trước khi bão ập tới.
“Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 12.000 nhà tránh bão để sơ tán các ngôi làng ven biển. Con số này tăng hơn gấp đôi so với cơn bão vừa qua. Chúng tôi ban đầu tính sơ tán khoảng 2 triệu người tới những nơi này” - Bộ trưởng Bộ Quản lý thảm họa và cứu trợ nhà nước Bangladesh Enamur Rahman cho biết ngày 19-5.
Ông Pradeep Jena, Ủy viên cứu trợ đặc biệt của bang Odisha (Ấn Độ), cho hay các dịch vụ khẩn cấp phải cân bằng giữa việc cứu người trong cơn bão và cứu người trong đại dịch.
“Giãn cách xã hội là một điều rất tốt nhưng thực thi nó theo cách nghiêm ngặt nhất có thể trong một tình huống thảm họa không phải lúc nào cũng có thể thực hiện” - ông nói.
Hút thuốc được liên kết với tỉ lệ tử vong cao ở Indonesia
Indonesia là một trong những nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất. Các chuyên gia y tế công cộng đã chỉ ra sự liên kết giữa COVID-19 với một mối nguy hiểm cũ: thuốc lá, theo báo South China Morning Post.
Chôn cất một người chết do COVID-19 tại nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP
Trong khi việc hút thuốc đang giảm trên toàn cầu thì tại Indonesia thói quen này vẫn phổ biến và đang gia tăng. Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều người trong số hơn 18.000 trường hợp nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này đã tử vong.
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Indonesia khoảng 6,6%. Đến nay, Indonesia là nước có dịch nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á với 18.496 ca nhiễm, trong đó 1.221 ca tử vong.
“Nhiều trường hợp tử vong do COVID-19 là do chức năng phổi suy yếu, mà phần lớn vì hút thuốc. Thực tế, việc Indonesia có mức tiêu thụ thuốc lá cao như vậy không giúp chúng ta trong cuộc chiến này” - ông Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại ĐH Indonesia, cho biết.
Gần 2/3 nam giới Indonesia từ 15 tuổi trở lên hút thuốc và với dân số đông như vậy (khoảng 260 triệu người), Indonesia là một trong những thị trường tăng trưởng của ngành công nghiệp thuốc lá.
Tuy vậy, sự liên kết này không hoàn toàn đơn giản. Tại Hy Lạp - nơi việc hút thuốc phổ biến hơn Indonesia, tỉ lệ tử vong là 6% nhưng số ca nhiễm không nghiêm trọng bằng (chưa tới 3.000).
Tại Đức, thói quen hút thuốc cũng phổ biến, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 tương đối thấp 4,5%. Điều này cho thấy hệ thống chăm sóc y tế tốt có thể tạo ra khác biệt.