Tính đến 19 giờ 20 ngày 4-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 252.950 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.665.403 ca nhiễm.
Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.112 ca, số ca nhiễm tăng 24.711 ca.
Ngoài ra, thế giới ghi nhận 1.206.314 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
Mỹ vẫn là nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới với 69.925 người tử vong trong tổng số 1.213.010 ca nhiễm.
Vượt Ý, Anh có số người chết cao nhất châu Âu
Theo báo The Guardian, số người tử vong do COVID-19 tại Anh hiện là 32.313. Con số này lớn hơn 29.079 ca tử vong ở Ý.
Cụ thể, Cơ quan Thống kê quốc gia Anh ngày 5-5 công bố dữ liệu mới về số trường hợp tử vong do COVID-19. Theo đó, tính đến ngày 24-4, tại Anh và xứ Wales ghi nhận 29.648 người chết với COVID-19 được nhắc đến trong giấy chứng tử.
Nhân viên y tế làm việc tại BV Hoàng gia Liverpool ở Liverpool, tây bắc nước Anh. Ảnh: GETTY IMAGES
Khi tính thêm những trường hợp tử vong tại Scotland và Bắc Ireland, tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hiện là 32.313.
Anh cùng với Ý và Tây Ban Nha là ba nước có dịch nghiêm trọng nhất tại châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước tuyên bố Anh đã qua đỉnh dịch song chưa sẵn sàng tháo gỡ phong tỏa.
Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế trong tuần này sau các cuộc họp với đảng đối lập.
Chính phủ Anh đã hứng chỉ trích gay gắt vì đã không nhận ra mối nguy hiểm của dịch bệnh để đưa ra biện pháp phong tỏa kịp thời.
Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này ngày 5-5 thông báo thêm 185 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong mới dưới con số 200.
Hiện Tây Ban Nha xác nhận 248.301 ca nhiễm, trong đó 25.613 người đã tử vong.
Tại Ý, nước này hiện có 29.079 ca tử vong trong tổng số 211.938 ca nhiễm. Nước này đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa hôm 4-5.
Nga ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới
Nga ngày 5-5 thông báo thêm 10.102 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 155.370, xếp thứ bảy thế giới.
Số trường hợp mắc COVID-19 mới tại Nga tăng kỷ lục hôm 3-5 với 10.633 ca và giảm nhẹ trong ngày sau đó 4-5 với 10.581 ca.
Một nhân viên đo thân nhiệt một hành khách tại ga tàu điện ngầm ở Moscow, Nga. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Nga cũng thông báo thêm 95 người tử vong do COVID-19, nâng tổng ca tử vong tại nước này lên 1.451.
Nhà chức trách cho biết Nga đã thực hiện hơn 4 triệu xét nghiệm COVID-19 và tỉ lệ tử vong của Nga vẫn thấp so với các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 như Tây Ban Nha, Ý và Mỹ.
Các trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo tại tất cả 85 khu vực của Nga, trong đó vùng Moscow là nghiêm trọng nhất khi chiếm nửa số ca nhiễm toàn quốc.
Ấn Độ lên kế hoạch khổng lồ hồi hương công dân, áp “thuế Corona đặc biệt” ngăn dân đổ xô mua rượu
Chính phủ Ấn Độ ngày 5-5 cho biết nước này đã lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch “khổng lồ”, huy động lượng lớn tàu thủy và máy bay đưa hàng trăm ngàn công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài do các lệnh phong tỏa COVID-19, theo báo South China Morning Post.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay ba tàu thủy đã lên đường tới Maldives và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để đưa công dân về nước. Hiện có khoảng 3,3 triệu người Ấn Độ sinh sống tại UAE, chiếm khoảng 30% dân số quốc gia vùng Vịnh này.
Người dân Ấn Độ đổ xô đi mua rượu khi một số quán rượu vừa mở lại. Ảnh: EPA
Một thông báo của chính phủ cho biết việc sơ tán sẽ bắt đầu vào ngày 7-5. Các đại sứ quán Ấn Độ và cơ quan đại diện ngoại giao của nước này đang chuẩn bị danh sách những người có nhu cầu hồi hương.
Ấn Độ trước đó đã hồi hương khoảng 2.500 công dân sống ở Trung Quốc, Nhật Bản, Iran và Ý trước khi có lệnh cấm đi lại trong nước và quốc tế.
Theo số liệu của trang thống kê Worldometer, Ấn Độ hiện ghi nhận 46.476 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.571 người đã tử vong. Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc với 1,3 tỉ dân từ giữa đêm 24-3 và dự kiến kéo dài đến ngày 17-5.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi cho phép khôi phục một số hoạt động nông nghiệp và công nghiệp tại những khu vực nông thôn ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Sau khi nhiều người đổ xô đi mua rượu trong ngày đầu nới phong tỏa, giới chức Ấn Độ đã áp mức “thuế Corona đặc biệt” 70% đối với rượu bán lẻ nhằm ngăn các cuộc tụ tập đông người tại các cửa hàng.
Cảnh sát Ấn Độ hôm 4-5 cho biết hàng trăm người đã đổ xô đến một số quán rượu vừa mở cửa trở lại.
Thuế rượu là nguồn thu chính của nhiều bang và vùng lãnh thổ ở Ấn Độ. Hầu hết bang đang gặp khó khăn tài chính do dịch bệnh làm gián đoạn các hoạt động kinh tế.