Tính đến 7 giờ 15 phút tối 9-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 276.825 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.036.128 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối 7-5, số ca tử vong tăng 911 người, số ca nhiễm tăng 26.656 người.
Ngoài ra, có 1.400.460 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
Mỹ: Tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, bắt đầu xét nghiệm tại nhà
Tối 8-5 (theo giờ Mỹ), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép "sử dụng khẩn cấp" bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà đầu tiên ở Mỹ nhằm tăng cường xét nghiệm để chuẩn bị khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đài CNN.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép cho bộ xét nghiệm mới, cho phép người bệnh lấy mẫu nước bọt tại nhà và gửi mẫu đi xét nghiệm COVID-19. Ảnh: CNN
Bộ xét nghiệm do Đại học Rutgers (bang New Jersey) phát triển, sử dụng mẫu sinh phẩm là mẫu nước bọt. Người dân sẽ tự lấy mẫu tại nhà, gửi mẫu xét nghiệm đến phòng thí nghiệm và chờ nhận kết quả.
Phương pháp xét nghiệm này được mô tả là "dễ dàng, an toàn và tiện lợi". Nó giúp mở rộng đối tượng được xét nghiệm, nhất là những người đang tự cách ly, không có phương tiện đi lại hoặc không muốn ra khỏi nhà.
Đại diện FDA cho biết cơ quan này đã cấp phép tổng cộng 80 bộ xét nghiệm COVID-19 ở Mỹ và việc cấp phép cho bộ xét nghiệm tại nhà này là "một bước tiến quan trọng trong xét nghiệm chẩn đoán" COVID-19.
Theo Worldometer, Mỹ đã phát hiện 1.322.215 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 78.622 trường hợp tử vong.
Ngày 9-5, CNN dẫn số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ, cho biết khoảng 20,5 triệu người dân Mỹ đã mất việc trong tháng 4. Những ngành bị ảnh hưởng nhất là nhà hàng - khách sạn và dịch vụ giải trí, ngành bán lẻ và lĩnh vực y tế điều trị ngoại trú.
Số lao động Mỹ mất việc trong tháng 3 khoảng 870.000 người. Trong khi đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, có tổng cộng 8,7 triệu người Mỹ mất việc.
Từ sau khủng hoảng 2008-2009, Mỹ đã nỗ lực để tăng thêm 22,8 triệu việc làm. Như vậy, trong hai tháng qua, số việc làm mất đi đã gần bằng số việc làm được tạo ra trong suốt 10 năm qua.
Trong tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp của người Mỹ là 14,7%, cao nhất kể từ năm 1948 - thời điểm Cục Thống kê lao động Mỹ công bố các báo cáo theo tháng.
Nga-Belarus kỷ niệm ngày 9-5 theo cách hoàn toàn khác nhau
So với mọi năm, các chương trình kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5 ở Nga lần này đã bị rút ngắn cả về số lượng và quy mô kỷ niệm.
Cuộc diễu binh lớn ở Quảng trường Đỏ đã bị cắt giảm, còn Tổng thống Putin chỉ đi một mình khi đặt hoa tại tượng đài Ngọn lửa vĩnh cửu và Đài tưởng niệm Liệt sĩ vô danh, theo báo The Moscow Times.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ vô danh nhân lễ kỷ niệm 75 Ngày chiến thắng 9-5. Ảnh: TASS
Trong thông điệp kỷ niệm 75 Ngày chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng một khi cùng đoàn kết chống lại đại dịch COVID-19 thì dân tộc Nga sẽ "không thể bị đánh bại".
Ông Putin không trực tiếp nhắc tên đại dịch mà gọi đó là một nguy cơ mà nước Nga đang đối mặt trong giai đoạn hiện tại. Ông tin tưởng rằng người dân Nga bây giờ sẽ thể hiện "sự đoàn kết và sức chịu đựng" giống như những anh hùng Liên Xô đã thể hiện trong cuộc chiến tranh vệ quốc cách đây hơn 75 năm.
Theo hãng thông tấn TASS, tính đến ngày 9-5, Nga đã tiến hành hơn 5,2 triệu lượt xét nghiệm COVID-19 và tổng cộng 242.000 người đang được theo dõi y tế.
Theo Worldometer, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Nga đang là 198.676 người, trong đó có 1.827 người tử vong. Nga đang là ổ dịch lớn thứ năm thế giới.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nga là Belarus vẫn tổ chức lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5 mà không áp dụng bất kỳ biện pháp giãn cách xã hội nào, theo CNN.
Lễ kỷ niệm ở thủ đô Minsk có sự tham gia của khoảng 11.000 khách mời và đoàn diễu hành của khoảng 3.000 quân nhân Belarus. Chỉ một phần nhỏ các khách mời đeo khẩu trang.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Belarus là hơn 21.100, số ca tử vong là 121, theo Worldometer.
Brazil: Tổng thống là "mối đe dọa lớn nhất"
Trong một bài xã luận đăng ngày 9-5 trên chuyên san y khoa The Lancet (Anh), Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro được cho là "mối đe dọa lớn nhất" đối với cuộc chiến chống COVID-19 ở Brazil.
Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro tham gia một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống COVID-19 hôm 19-4. Ảnh: AFP
Ông Bolsonaro bị chỉ trích phớt lờ, phản đối và chế nhạo các nỗ lực phòng dịch của các bang. Thậm chí ông còn khuyến khích khai thác và tiến sâu hơn vào rừng Amazon - hành động có thể làm lây nhiễm COVID-19 tới các cộng đồng dân cư ở những vùng xa xôi trong rừng.
Bài xã luận nhắc tới những nguy cơ của 13 triệu người dân Brazil đang sống trong các khu ổ chuột với điều kiện sống tồi tàn và ít được tiếp cận nước sạch.
Ông Bolsonaro còn yêu cầu Tòa án Tối cao Brazil can thiệp để buộc các bang rút lại các biện pháp hạn chế vì mục đích phòng dịch, theo hãng tin Al Jazeera.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil, ông Paulo Guedes cũng đồng quan điểm với ông Bolsonaro và gây áp lực lên Tòa án Tối cao Brazil.
Ông Guedes cảnh báo rằng có thể xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa trong các siêu thị nếu như các biện pháp phòng dịch kéo dài và hoạt động sản xuất không được nối lại.