Tình hình dịch COVID-19 tính đến tối 29-2

Về tình hình dịch COVID-19, đến 7 giờ tối 29-2 toàn cầu có 2.923 ca tử vong, trong đó chủ yếu vẫn ở Trung Quốc (2.835 ca), báo South China Morning Post dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Cụ thể số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục: Iran 34 ca, Ý 21 ca, Hàn Quốc 17 ca, Nhật 11 ca (tính cả sáu ca trên du thuyền Diamond Princess), Pháp hai ca, Hong Kong hai ca, Đài Loan một ca, Philippines một ca.

Tổng số ca nhiễm hiện tại là 85.397. Số người được điều trị hồi phục là 39.332.

Thống kê số liệu dịch COVID-19 của SCMP.

Theo kênh Channel News Asia, hiện cả ngàn du khách Trung Quốc ở đảo Bali (Indonesia) đang tìm mọi cách để tránh về nước vì tình hình dịch bệnh phức tạp trong nước. Nhiều quan chức nhập cư Indonesia cho biết gần cả ngàn du khách Trung Quốc đã nộp đơn xin nước này gia hạn thị thực.

Iran: Tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới

Với 34 ca tử vong và 388 ca nhiễm, Iran hiện là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới (gần 10%, so với mức 2% ở Trung Quốc).

Hiện nhiều quốc gia, đặc biệt các nước Trung Đông đã cấm nhập cảnh với Iran. Úc từ ngày 1-3 cấm mọi công dân nước ngoài đến từ Iran nhập cảnh. Những người này nếu vẫn muốn vào Úc thì phải chịu cách ly ở một nước khác 14 ngày, sau đó mới được sang Úc.

Công dân và thường trú nhân Úc trở về từ Iran sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Úc khuyến cáo mọi công dân không đến Iran. Úc hiện có 25 ca nhiễm. 

Mỹ khuyến cáo công dân tránh đến Ý

Với 21 ca tử vong và 888 ca nhiễm, Ý là nước có dịch nghiêm trọng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran. Hiện Mỹ khuyến cáo công dân tránh mọi chuyến đi cần thiết đến Ý - một điểm đến du lịch ưa thích của dân Mỹ. Mỗi năm có hàng triệu người Mỹ sang Ý du lịch. Ý đang có 17 ca tử vong và 650 ca nhiễm.

Hàn Quốc: Một công dân Việt Nam ở Daegu nhiễm

Ngày 29-2 Hàn Quốc - điểm dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc có thêm bốn ca tử vong và 813 ca nhiễm mới. Như vậy hiện Hàn Quốc có tổng cộng 17 ca tử vong và 1.315 ca nhiễm. 90% ca nhiễm là từ TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận.

Đến ngày 29-2 nhà chức trách y tế Hàn Quốc đã kiểm tra 88% thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, trong đó 2% có các triệu chứng nhiễm COVID-19.


Tẩy trùng khu vực công cộng ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Hãng tin Yonhap cho biết Hàn Quốc phát hiện có một ca tái nhiễm sau khi được điều trị hồi phục.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thông báo có một công dân Việt Nam tại Daegu nhiễm COVID-19.

WHO lo ngại khả năng virus lây từ người qua động vật

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phối hợp với chính quyền và các nhà khoa học ở Hong Kong theo dõi và nghiên cứu việc một chú chó nhiễm virus gây dịch COVID-19 từ chủ. Chú chó này bị phát hiện “dương tính nhẹ” với virus gây dịch COVID-19 và vừa được xét nghiệm lại hôm nay (29-2) để xem có thật sự nhiễm bệnh hay không.


Chú chó nhiễm virus gây dịch COVID-19 từ chủ. Ảnh: FACEBOOK

Ngày 28-2 chính quyền Hong Kong đề nghị các bệnh nhân COVID-19 giao thú cưng của mình (chó, mèo, các loài động vật có vú…) để chính quyền cách ly.

Đừng lạc quan dịch giảm khi hè tới

Vài tuần trước có nhiều ý kiến rằng virus SARS-CoV-2 - tên chính thức của virus gây ra dịch COVID-19 sẽ không tồn tại nổi khi thời tiết nóng dần lên - như đã xảy ra với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính Trung Đông) năm 2003. Trong số người có ý kiến này có TS Nancy Messonnier - Giám đốc Trung tâm Các bệnh về miễn dịch và hô hấp thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Tuy nhiên theo SCMP, nhiều nhà khoa học cảnh báo đừng quá lạc quan dịch sẽ giảm khi mùa hè tới.


Các nhà khoa học vẫn còn trong quá trình nghiên cứu về virus gây dịch COVID-19 và phương thức truyền nhiễm của nó. Ảnh: EPA

Giáo sư về bệnh dịch Marc Lipsitch tại trường sức khỏe công cộng thuộc đại học Harvard (Mỹ) cho rằng chuyện nghĩ dịch SARS biến mất vào mùa hè năm 2003 là một  “cách hiểu sai phổ biến”.

“Tôi nghĩ “biến mất” là một từ tệ khi dùng mô tả điều đã xảy ra với SARS. Dịch SARS được kiểm soát nhờ các nỗ lực y tế công cộng cực kỳ lớn, cực kỳ quả cảm và có lẽ chưa có tiền lệ trong thời hiện đại. Nó không hề biến mất” - theo Giáo sư Lipsitch.

Theo các nhà khoa học, dịch bệnh diễn tiến thế nào, kéo dài bao lâu tùy vào cách mỗi nước đối phó với dịch.

Nhiều chuyên gia cũng thận trọng rằng dù có dịu đi vào mùa hè thì dịch COVID-19 có thể sẽ lại tái xuất khi mùa đông đến. Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan về dịch bệnh đường hô hấp tuần này, nguy cơ này không lớn.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới