Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1-8 tuyên bố Washington đã sẵn sàng đàm phán một "khuôn khổ mới để kiểm soát vũ khí” với Nga nhằm thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), đài RT đưa tin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Andrew Harnik/AP |
Trong một tuyên bố được đưa ra trước thềm Hội nghị rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, ông Biden cho biết: “Hôm nay, chính quyền của tôi đã sẵn sàng nhanh chóng đàm phán một khuôn khổ mới kiểm soát vũ khí để thay thế New START khi hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2026. Song cuộc đàm phán đòi hỏi một đối tác sẵn sàng hoạt động có thiện chí”.
Dù vậy, trong tuyên bố trên, Tổng thống Biden cũng đưa ra lời chỉ trích đối với Nga, nói rằng chính Moscow “đã phá hủy hoà bình ở châu Âu” bằng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tấn công vào "các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế”.
“Trong bối cảnh này, Nga nên chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nối lại việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ” - ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc tham gia các vòng đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia NPT và là thành viên của P5 tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu các nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các chuyển động quân sự gây bất ổn. Không có một lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào hay toàn thế giới nếu chống lại sự can dự thực chất về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân" - ông Biden cho hay.
Nhóm P5 bao gồm năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đó là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1-8 cũng đưa ra bình luận trong một bức thư gửi những người tham gia hội nghị rà soát NPT, nói rằng không có ai thắng lợi trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ một cuộc chiến tranh như vậy được phép bắt đầu, theo hãng tin Reuters.
Theo đài RT, trong khi Moscow liên tục kêu gọi Mỹ gia hạn thỏa thuận New START thêm năm năm một cách vô điều kiện, Washington đã đưa ra nhiều đề xuất về việc sửa đổi, cụ thể là thúc giục Trung Quốc tham gia.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã liên tục từ chối các nỗ lực của chính quyền Mỹ tiền nhiệm nhằm kêu gọi Trung Quốc vào tham gia vào các cuộc đàm phán về việc mở rộng thỏa thuận Mỹ - Nga. Trung Quốc nói rằng kho vũ khí hạt nhân của họ quá ít so với kho dự trữ mà Mỹ và Nga đang duy trì.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại Hội nghị rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1-8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cảnh báo căng thẳng địa chính trị gia tăng trên khắp thế giới đã làm cho nhân loại có nguy cơ bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân.
“Nhân loại đang dần quên đi những bài học từ vụ việc Hiroshima và Nagasaki. Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Cạnh tranh lấn át sự hợp tác và cộng tác. Sự ngờ vực đã thay thế đối thoại và sự mất đoàn kết đã thay thế việc giải trừ quân bị” - ông Guterres cho hay.
Nhận định hiện nay nguy cơ về chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, ông Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới “đưa nhân loại đi trên một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.