Chiều 1-11, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban công tác phát triển du lịch TP.HCM quý III-2023.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong 10 tháng năm 2023, ngành du lịch đón hơn 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,12 triệu lượt, đạt 82% so với chỉ tiêu năm 2023. Tổng doanh thu khoảng 140.000 tỉ đồng.
Xây dựng bộ sản phẩm du lịch
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM báo cáo kết quả 10 tháng đầu năm, trong đó công tác phát triển sản phẩm du lịch chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng từng thị trường trên cơ sở nâng chất các sản phẩm hiện có và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Hiện Sở Du lịch TP đang nghiên cứu xây dựng và trình UBND TP ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ ẩm thực.
Ngoài ra, TP chú trọng chương trình liên kết du lịch vùng trọng tâm giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ giúp gia tăng lợi thế so với khu vực và quốc tế trong việc kết nối với các “điểm đến vệ tinh” trong vùng.
Về sản phẩm đặc trưng của TP, trong năm 2023 có 8 địa phương công bố 9 sản phẩm. Đến tháng 10, TP đã công bố 42 sản phẩm của TP Thủ Đức và quận, huyện, qua đó tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng, xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM...
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng quy hoạch Sở Du lịch TP.HCM cho rằng: Phát triển sản phẩm đặc trưng theo hướng vận dụng NQ-98 của Quốc hội về cơ chế phát triển TP.HCM, các Nghị quyết của HĐND, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 phát triển. Thông qua các căn cứ trên, phát triển sản phẩm đường thủy, trên bến dưới thuyền; sản phẩm ẩm thực, ban đêm, du lịch cộng đồng trong đô thị, du lịch nông nghiệp.
Bà Thảo đề xuất các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện và nâng chất sản phẩm, điểm đến đã có, đẩy mạnh công tác truyền thông sản phẩm. Ngoài ra, bồi dưỡng nguồn nhân lực, kết hợp các nguồn lực chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp.
Sở Du lịch chủ trì liên kết sản phẩm
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour cho rằng những sản phẩm cần được tăng cường liên kết giữa các quận, huyện và doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở Du lịch chủ trì lựa chọn các điểm đến hấp dẫn vào chương trình tour. Bên cạnh đó, tổ chức thêm các tour liên tuyến để thu hút du khách, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch về đêm.
"Đơn vị chúng tôi cũng đang triển khai với các quận, huyện để làm các sản phẩm về đêm. Nếu không đẩy mạnh chúng ta có thể sẽ đi sau nhiều địa phương dù TP có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm về đêm."
Đại diện Phòng Văn hóa thông tin quận 1 đề xuất về lâu dài Sở Du lịch xâu chuỗi các sản phẩm mang tính tương đồng có giá trị lại với nhau, qua đó tạo nên liên kết mở rộng, quy mô sản phẩm sẽ rộng hơn.
Về công tác truyền thông quảng bá, Sở Du lịch đóng vai trò chủ đạo, quảng bá rộng rãi thu hút sự quan tâm du khách. Từ nay đến cuối năm, vào Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ 13, quận 1 sẽ ra mắt sản phẩm "Quận 1 sắc màu về đêm".
Ngoài ra, vị đại diện này nói thêm: "Quận cần sự cộng hưởng, đồng hành của sở, ngành về nguồn kinh phí, chủ trương của TP để các sản phẩm du lịch sẽ thành hiện thực."
Đại diện UBND quận 5 cũng cho rằng vai trò liên kết của Sở Du lịch là rất lớn. TP có thể tổ chức hội thảo đánh giá sản phẩm du lịch của từng địa phương, qua đó nhìn nhận sản phẩm nào cần được đầu tư, khắc phục hạn chế...
Đối với sản phẩm không hiệu quả, mạnh dạn không đưa vào chuỗi vào sản phẩm của địa phương. Vào đầu tháng 12, quận 5 sẽ phối hợp với một đơn vị tổ chức lễ hội Food Story.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận: "Sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương hấp dẫn và nhận được nhiều sự quan tâm. Trước mắt chúng ta thấy dàn trải nhưng phát triển theo chiều sâu sẽ không thấy dàn trải khi được chăm chút đầu tư.
Sở Du lịch phát hiện ra tài nguyên, doanh nghiệp và các quận, huyện xây dựng ra các sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, quận, huyện cần hoàn thiện sản phẩm được chọn, đầu tư và nâng chất, sau đó tiếp tục chọn phát triển sản phẩm khác."
Trong năm nay, Sở Du lịch sẽ ra mắt cẩm nang sản phẩm đặc trưng của TP.HCM.