Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Wu Dawei, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán sáu bên bị đình trệ từ lâu, đã nghỉ hưu sau hơn 13 năm đảm nhận công việc giám sát các nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
SCMP dẫn lời các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết vị trí của nhà ngoại giao kỳ cựu 71 tuổi này đã được ông Kong Xuanyou– nhà ngoại giao phụ trách vấn đề châu Á, đảm nhận.
Bắc Kinh vẫn chưa chính thức thông báo việc bổ nhiệm ông Kong Xuanyou làm đại diện đặc biệt về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kong là người đã tham gia sâu các nỗ lực của Trung Quốc trong việc xoa dịu căng thẳng liên quan tới vấn đề Triều Tiên kể từ khi ông thăng chức làm trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc cách đây hai năm.
Ông Kong Xuanyou bắt tay với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama trong cuộc gặp hồi năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Kong, một chuyên gia về Nhật Bản với kinh nghiệm hạn chế trong vấn đề liên Triều, giờ đây đang được giao nhiệm vụ gần như không thể, đó là khôi phục đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản. Ông đảm nhiệm vai trò này vào thời điểm khi cuộc đàm phán đã sụp đổ, theoSCMP.
Kerry Brown, cựu nhà ngoại giao người Anh nhận định: “Đây là một công việc “khó xơi” với các thách thức gần như không thể vượt qua vào lúc này, khi mà không một ai có cùng chí hướng và nguy cơ thất bại lại rất cao”.
Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần nỗ lực tái khởi động đối thoại sáu bên nhưng không có dấu hiệu đối thoại sẽ được nối lại. Bắc Kinh khởi xướng đối thoại vào năm 2003 nhưng đã bị đình chỉ kể từ năm 2008 tới nay sau khi Bình Nhưỡng tẩy chay đổi thoại.
Các chuyên gia đánh giá, so với Ngoại trưởng Vương Nghị - nhà đàm phán chủ chốt đầu tiên trong đối thoại sáu bên hay ông người tiền nhiệm Wu, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và Hàn Quốc này không được nhiều người biết đến.
Ông Kong Xuanyou, 58 tuổi, là người gốc Triều Tiên sinh ra ở Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ông Khổng thông thạo tiếng Nhật, tốt nghiệp ĐH Nghiên cứu đối ngoại Thượng Hải sau cuộc Cách mạng Văn hóa.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Kong nằm trong hàng ngũ Bộ Ngoại giao với vai trò phần lớn giải quyết các vấn đề Nhật Bản và nắm giữ các vị trí trong phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở Nhật Bản hơn 10 năm kể từ giữa thập niên 1980.
Ông Kong làm công sứ tại đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản trong thời gian từ năm 2006-2011. Năm 2014, ông Kong làm đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam rồi sau làm người đứng đầu bộ phận về vấn đề châu Á.
Seong-Hyon Lee, một nghiên cứu sinh tại Viện Sejong, nói rằng mặc dù ông Kong nói thông thạo tiếng Hàn nhưng chưa bao giờ nói chuyện với cộng đồng người Hàn Quốc. “Bây giờ, với công việc mới này đòi hỏi ông ấy phải tiếp xúc nhiều với người Hàn Quốc” – ông Lee nói.
Truyền thông Hàn Quốc lưu ý rằng đây là lần đầu tiên các phái viên hàng đầu về vấn đề Triều Tiên đến từ Trung Quốc và Washington có thể nói tiếng Hàn. Joseph Yun, một nhà kinh tế sinh ra ở Seoul, hồi tháng 10 năm ngoái đã được chỉ định làm đại diện mới của Washington về chính sách Triều Tiên.
Giới quan sát tin rằng ông Kong sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn và một bán đảo Triều Tiên nhiều bất ổn hơn so với người tiền nhiệm Wu Dawei.