TQ: Hàng chục quan chức bị sa thải, kỷ luật trong bối cảnh dịch lan khắp nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 22-3 cho biết có hơn 70 quan chức Trung Quốc đã bị sa thải hoặc bị kỷ luật trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng khắp cả nước này.

Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng dịch bùng phát mạnh do sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng lây lan cao hơn và đã ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới trên khắp nước.

Nhiều quan chức y tế thừa nhận rằng hầu hết các ca nhiễm mới có ít hoặc không có triệu chứng nên gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện. Song các nhà lãnh đạo hàng đầu đã cảnh báo các quan chức rằng họ sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc nếu bị bắt quả tang hoặc không hành động nhanh chóng.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã nói rõ rằng các quan chức địa phương sẽ bị phạt nếu thất bại trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Ảnh: XINHUA

Bắc Kinh phạt nhiều quan chức vì không hoàn thành công tác phòng chống dịch

Theo số liệu thống kê từ các cuộc thăm dò của SCMP, đã có ít nhất 74 quan chức bị sa thải hoặc bị khiển trách liên quan đợt bùng phát gần đây.

Những người bị sa thải bao gồm các quan chức của 14 thành phố, trong đó có một quan chức an ninh ở tỉnh Quảng Đông, các phó cảnh sát trưởng và giám đốc an ninh của TP Thâm Quyến và TP Đông Quản (tỉnh Quảng Đông).

Dù chi tiết về lý do tại sao họ bị sa thải không được công bố, song một quan chức tỉnh Quảng Đông hiểu biết rõ về vụ việc này cho hay họ bị phạt vì không phát hiện sớm và kiểm soát nhanh chóng đợt dịch mới bùng phát tại các cơ sở cách ly ở Đông Quản và Thâm Quyến.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương rất chú trọng đến kết quả hoạt động của cán bộ tỉnh trong công tác phòng chống dịch, những người không đạt hiệu quả sẽ bị loại khỏi con đường thăng tiến, còn những người làm tốt sẽ được đưa vào danh sách tiến cử” - quan chức này nói.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 23-12-2021. Ảnh: AP

Chính quyền tỉnh Cát Lâm cũng đã sa thải quan chức y tế hàng đầu của tỉnh này và thị trưởng Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh, cùng với 12 quan chức khác do không kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh trong đợt bùng phát hiện tại.

Kể từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, Bắc Kinh đã sa thải và khiển trách hơn 1.000 quan chức, bao gồm cả cựu bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, ông Tưởng Siêu Lương, tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc ông Vương Tiểu Đông và bí thư thành ủy Vũ Hán, ông Mã Quốc Cường.

Chuyên gia: Lo bị phạt, các quan chức sẽ siết phòng chống dịch

Một chuyên gia nhận định rằng chính lập trường không khoan nhượng với COVID-19 đã khiến một số chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt và gắt gao vì họ sợ bị kỷ luật khi số ca nhiễm tăng.

Nhân viên y tế có mặt tại một ổ dịch đang được cách ly ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Đồng quan điểm trên, ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐH Quốc gia Singapore, việc chính quyền Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh rằng các quan chức địa phương nên coi cuộc chiến chống lại COVID-19 là "nhiệm vụ chính trị" hàng đầu đã khiến một số quan chức tăng gấp đôi các biện pháp hạn chế.

“Bắc Kinh phải thể hiện quyết tâm của mình trong việc buộc các quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, nếu không mọi người sẽ đổ lỗi cho giới lãnh đạo về những thất bại của chính họ” - ông Wu nói.

“Nhưng điều này có thể không đạt được những gì Bắc Kinh muốn. Trong khi Ủy ban Y tế Quốc gia đã nhiều lần kêu gọi các quan chức địa phương không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế và kiểm soát dịch theo hướng dẫn quốc gia, nhiều thành phố vẫn áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết ngay cả khi chỉ có một số ít trường hợp mắc bệnh” - ông Wu nhận định.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ một người đàn ông ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 5-8-2021. Ảnh: AP

Phó giáo sư Wu cho biết cho đến nay chỉ một số nơi ở Trung Quốc như Thượng Hải mới có đủ nguồn lực và chuyên môn cần thiết để tự tin thực hiện các biện pháp “chính xác phù hợp với tình hình”.

Trong 2 tháng qua, chỉ có một vụ kỷ luật ở tỉnh Hắc Long Giang nhắm vào các cán bộ địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch quá mức, trong khi lượng lớn vụ trừng phạt khác nhằm vào những quan chức không kiềm chế được các ổ dịch, theo SCMP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm