Các dự án giao thông, đặc biệt là dự án BOT cần phải minh bạch. Nên Bộ GTVT phải giải thích tại sao thu phí dự án này để hỗ trợ dự án khác. Đó là những chia sẻ của các chuyên gia với Pháp Luật TP.HCM khi nói về việc Bộ GTVT hỗ trợ đầu tư cho dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ bằng cách thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM-Trung Lương.
Không nên “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”
“Trường hợp Bộ GTVT muốn đầu tư tiếp dự án nào phải đấu thầu công khai, không nên lặp lại những bức xúc cũ theo kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ví dụ, thu phí quốc lộ 1 để làm cao tốc Bắc-Nam thì sao người dân đồng thuận được, họ sẽ kiện ngay” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, chia sẻ khi đề cập đề xuất của Bộ GTVT thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương để hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Một vấn đề cũng được vị chuyên gia này nhấn mạnh đến là tính công khai, minh bạch của các dự án. “Tân bộ trưởng Bộ GTVT đã hứa công khai, minh bạch các dự án và không có lợi ích nhóm thì giờ cứ làm rõ mọi vấn đề đi, đừng mập mờ nữa. Hiện nay dân trí cao, việc nắm bắt thông tin của người dân rất tốt nên chúng ta cần tuân thủ quy định của pháp luật và lòng dân” - TS Phạm Sanh nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng các dự án BOT hiện nay được người dân “soi” rất kỹ nên cần phải xem xét cẩn thận. Đặc biệt, Bộ GTVT cần phải giải thích cơ sở nào để kéo dài thời gian thu phí.
Các trạm thu phí đều thực hiện thu cho đoạn đường khác nhau, đoạn nào thu đoạn đấy, minh bạch, rõ ràng. Nếu không, chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải bức xúc từ phía người dân như tại một số trạm thời gian qua.
Trạm cao tốc TP.HCM-Trung Lương. Ảnh: LƯU ĐỨC
Khó phát triển mạng lưới cao tốc?
Giải đáp những vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương có nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, Bộ GTVT đã bán quyền thu phí để hoàn trả ngân sách. Hiện dự án cao tốc TP.HCM-Trung Lương vẫn đang triển khai thu phí và chưa trả xong vốn tạm ứng.
Do đó nếu không hỗ trợ nối tiếp tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ thì tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương vẫn tiếp tục được Nhà nước thu phí để hoàn trả vốn tạm ứng của Nhà nước và đầu tư mạng lưới cao tốc.
“Nguyên nhân, đường cao tốc có tính chất thương mại cao, không phải tuyến đường độc đạo, thu phí kín (người dân đi kilomet nào thu phí kilomet đấy). Bên cạnh đó, hiện nay nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nếu không thu phí để tái đầu tư sẽ khó phát triển được mạng lưới đường cao tốc” - ông Đông khẳng định.
Khi dự án cao tốc TP.HCM-Trung Lương hoàn vốn, Nhà nước nên dừng thu phí. Việc tiếp tục thu sẽ gây bức xúc cho người dân. TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông Việc thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương để hỗ trợ dự án Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ bản chất là lấy tiền nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án khi nguồn ngân sách hạn hẹp. Ông NGUYỄN NGỌC ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ GTVT |
Cũng theo Thứ trưởng Đông, khi xây dựng các tuyến cao tốc, một số nước như Nhật khuyến cáo Việt Nam phải thu phí để tiếp tục phát triển tuyến cao tốc mới. Đây cũng là kinh nghiệm chung của các nước đang phát triển.
Theo ông Đông, các nước phát triển có mạng lưới giao thông hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhà nước chỉ cân đối nguồn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng. “Các nước này không có trạm thu phí nhưng họ sẽ thu phí trên xăng, dầu. Như vậy việc thu phí đường bộ diễn ra ở nhiều nước, đặc biệt là những nước có nguồn ngân sách hạn chế như Việt Nam” - ông Đông nói.
Ông Đông cũng khẳng định chủ trương trên được Chính phủ thông qua. Còn đối với những tuyến đường độc đạo như quốc lộ 1, sau khi hoàn vốn thì phải bỏ trạm thu phí hoặc thu để duy tu, bảo dưỡng.
TP.HCM đề nghị cân nhắc Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến TP thống nhất với Bộ GTVT về việc đẩy mạnh đầu tư, sớm hoàn thành dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Điều này góp phần giảm ùn tắc cho quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, về việc hỗ trợ đầu tư cho các dự án trên bằng cách thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM-Trung Lương trong tám năm hai tháng với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU/km (PCU là đơn vị xe con quy đổi, lấy ô tô năm chỗ làm chuẩn) thì TP kiến nghị việc này cần cân nhắc thêm. Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc TP.HCM-Trung Lương với vốn tạm ứng ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng. Đầu năm 2014 Bộ GTVT đã bán lại quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn 60 tháng (kể từ 1-1-2014) với giá hơn 2.000 tỉ đồng. Như vậy, còn khoảng 8.000 tỉ đồng cần phải thu hồi để trả về ngân sách nhà nước. Cũng theo Bộ GTVT, phương án tài chính sắp tới của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận khoảng tám năm ba tháng với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Cạnh đó có hỗ trợ của Nhà nước bằng việc thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM-Trung Lương trong tám năm ba tháng với mức giá khởi điểm là 1.700 đồng/PCU/km. Dự kiến ba năm điều chỉnh tăng giá vé một lần, sáu năm đầu tăng 9% và các năm tiếp theo tăng 6% mỗi ba năm. |