Trò lừa qua mua bán trực tuyến

Quảng cáo thì ngon lành hết cỡ, nào hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng khi giao là hàng made in China, hỏi sao kỳ dzậy, sẽ được trả lời rằng thì là hàng Tàu nhưng sản xuất theo công nghệ Nhật, Hàn! Mà chữ “made in China” thì in nhỏ xíu, còn chữ “Japan” thì in thật bự sau mấy chữ “SXTCN” viết tắt nhỏ xíu. Thậm chí có nhiều mặt hàng của Tàu nhưng chỉ ghi hiệu sản phẩm và ngay bên dưới là chữ Japan.

Thấy vậy mà không phải vậy

Rõ ràng chủ ý lừa chứ còn gì! Những người cao tuổi hay mắt kém hoặc thiếu kinh nghiệm rất dễ bị “lừa đẹp”. Một ông bạn hưu trí của tôi đã bị mắc lỡm khi mua một bộ nồi chiên không cần dầu. Con gái ông do quá bận rộn công việc công ty, đã ngoài 30 mà vẫn độc thân ở với bố. Nó đặt mua trực tuyến cái nồi chiên không cần dầu có kèm vài món quà tặng giá gần 3 triệu bạc. Nó đưa tiền dặn bố khi nào họ mang hàng đến, bố kiểm tra kỹ đúng là hàng Nhật mới nhận và trả tiền. Người giao hàng mang tới một thùng hàng “hoành tráng”, ông bạn già mắt mũi kèm nhèm đọc thấy chữ Japan dưới hiệu món hàng thật bự, đinh ninh là hàng Nhật xịn, móc tiền trả nhận hàng. Tối cô con gái về phát hiện đó là hàng Tàu, chữ ghi bé xíu một góc thùng hàng chứ không ghi trên sản phẩm. Nó không dám cằn nhằn bố nhưng mặt mày bí xị. Sáng mai đi tập thể dục, ông than với tôi: “Ôi sao bây giờ người ta lừa quá vậy hả ông?”.

Để an ủi ông bạn già, tôi kể cho ông nghe chuyện bà bạn tôi tuổi mới tròm trèm sáu chục nhưng cũng bị lừa. Bà ấy nhờ đứa cháu đặt mua trực tuyến trên truyền hình một cái đèn đuổi muỗi của Hàn Quốc giá sáu, bảy trăm ngàn gì đó. Đọc thấy chữ Korea đỏ chói, nhận hàng trả tiền xong. Tối đến bật đèn xài thử. Đèn sáng nhưng đuổi hoài muỗi vẫn vo ve như cười cợt bà ấy. Cháu gái phát hiện đèn được sản xuất tại một công ty ở… Bình Phước. Tức quá hôm sau bà điện thoại tới công ty đòi trả hàng, cô nhân viên nghe điện thoại hướng dẫn bà đi xuống một địa chỉ nào đó ở Hóc Môn để bảo hành. Thằng con bảo có mấy trăm, thôi vất đi má, coi như học được một bài.

Một phương tiện mua bán hiện đại, cần thiết

Mặc dù có những con sâu làm rầu nồi canh bán hàng trực tuyến nhưng xu hướng mua bán trực tuyến vẫn liên tục phát triển, bởi nó đáp ứng được một phần nhu cầu của thị dân vốn quá tất bật với cuộc mưu sinh, thiếu thốn thời gian. Và dĩ nhiên cùng với sự phát triển ồ ạt của kinh doanh trực tuyến đã phát sinh những sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau, cũng như nhiều thủ đoạn ma mãnh tìm mọi cách lừa khách hàng. Vì vậy quý vị “thượng đế” khi tham gia chợ trên mạng, trên truyền hình hết sức sáng suốt và cảnh giác để không bị “tiền mất hàng hư”.

Nếu như các đơn vị bán hàng trực tuyến trên truyền hình hầu hết bán hàng mới nguyên thùng thì các trang mạng lại bán đủ thứ hàng hầm bà lằng. Thượng vàng hạ cám. Từ cái bàn ủi, nồi cơm điện cũ, bộ bàn ghế, tủ giường đã qua sử dụng đến những hàng kim khí điện máy, tivi, tủ lạnh… Ảnh chụp rất nét đưa lên mạng coi cũng hấp dẫn lắm. Giá cả thì tùy hứng. Nhiều người - nhất là các bạn sinh viên, học sinh rất chịu khó săn lùng hàng đã qua sử dụng, nhiều khi tìm được mấy thứ còn mới toanh nhưng chủ đi nước ngoài hay dọn nhà mới muốn xài đồ mới bán rẻ mạt. Tôi có đứa cháu họ từ miền Trung vào Sài Gòn học ĐH Kinh tế, ngoài giờ học, nó lên mạng săn lùng hàng tốt giá hời, rồi mua đi bán lại trên chợ ảo cũng kiếm được tiền ăn ở, học phí. Thấy nó lanh lợi buôn bán ào ào trên mạng, nhiều người có đồ gì không dùng, điện thoại gọi nó tới gửi bán, nó cũng kiếm ăn được. Tôi thấy đây là một công việc lương thiện, đáng khuyến khích. Chợ mua bán trao đổi hàng hóa thời hiện đại khá thú vị. Được quá đi chứ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm