Theo kênh Al Jazeera hôm 28-9, Trung Quốc đã bắt đầu năm cuộc tập trận quân sự cùng lúc dọc theo các khu vực khác nhau gần bờ biển của nước này.
Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trong khu vực, đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng Bắc Kinh có cuộc tập trận cùng lúc như vậy.
Hình ảnh từ một cuộc tập trận của Trung Quốc vào tháng 3. Ảnh: CHINA MILITARY
Hãng tin ngày 28-9 trích một thông báo từ Cục An toàn hàng hải cho biết hai trong số các cuộc tập trận đang được tổ chức gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) ở Biển Đông. Ba cuộc tập trận còn lại diễn ra ở biển Hoa Đông, biển Bột Hải và biển Hoàng Hải.
Ở khu vực phía nam biển Hoàng Hải, các cuộc tập trận bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật được tổ chức từ ngày 28-9 đến 30-9. Tất cả các tàu bị cấm đi vào khu vực này, theo hãng tin Reuters.
Trước đó, vào ngày 26-9, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết Trung Quốc đã đe dọa hoặc xâm nhập không phận của họ 46 lần trong chín ngày qua.
Đầu tháng này, Indonesia cho biết một tàu tuần duyên Trung Quốc đã ở gần ba ngày trong vùng biển mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình ở gần phần cực nam của Biển Đông.
Nhằm huấn luyện quân đội sẵn sàng chiến đấu, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận theo định kỳ. Tuy nhiên, các cuộc diễn tập cùng lúc như vậy rất hiếm khi xảy ra.
Đáp trả động thái của Bắc Kinh, Washington đã gửi các máy bay do thám vào vùng cấm bay trong các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc.
Trung Quốc và Mỹ gần đây đang đối đầu trong một loạt các vấn đề từ Đài Loan, đại dịch COVID-19 đến thương mại và nhân quyền.
Hôm 27-9, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đã "có hành động quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích" đối với các tiền đồn đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông), đồng thời Washington còn chỉ trích Bắc Kinh "không tôn trọng lời nói cũng như cam kết của mình".
Đáp lại, hôm 28-9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói các hành động quân sự của Mỹ đã khiến chính quyền Washington trở thành "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của Biển Đông".
Ba nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia đã lên tiếng phản đối các tuyên bố và hành động của Bắc Kinh trong khu vực, trong bối cảnh tiến độ đàm phán giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc về Biển Đông dường như đang trong thế bế tắc.