Trung Quốc kêu gọi Úc đóng cửa các trại tị nạn ngoài khơi

Ngày 12-3, Trung Quốc cho biết họ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động của chính phủ Úc đối với các trung tâm giam giữ ngoài khơi, đồng thời kêu gọi đóng cửa các địa điểm này ngay lập tức, tờ South China Morning Post đưa tin.

Trong một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Trung Quốc cáo buộc rằng các trung tâm giam giữ này của Úc “thiếu các điều kiện y tế đầy đủ”.

Theo chính quyền Bắc Kinh, một số lượng lớn người nhập cư, người tị nạn và người xin tị nạn đã bị giam giữ trong một thời gian dài hoặc thậm chí là vô thời hạn, và quyền con người của họ đã bị vi phạm.

Trẻ em trong trại tị nạn ở đảo Nauru. Ảnh: AFP

Bắc Kinh mô tả những trung tâm giam giữ ngoài khơi của Úc là "các quốc gia thứ ba". Những người xin tị nạn bị chặn trên biển khi đang trên đường đến Úc sẽ bị gửi tới Papua New Guinea hoặc đảo Nauru ở Nam Thái Bình Dương để “xử lý”.

“Chúng tôi kêu gọi Úc đóng cửa ngay lập tức tất cả các trung tâm giam giữ ngoài khơi và thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ quyền của người nhập cư, người tị nạn và người xin tị nạn, đặc biệt là trẻ em” - Trung Quốc cho biết trong tuyên bố mà nước này đệ trình thay mặt cho một nhóm các nước giấu tên.

Bắc Kinh cũng kêu gọi Úc thực hiện “các cuộc điều tra toàn diện và công bằng” đối với các trường hợp được báo cáo về “tội ác chiến tranh nghiêm trọng” do quân đội Úc thực hiện ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trước đó, một cuộc điều tra của Úc được công bố vào tháng 11 cho biết các lực lượng đặc biệt của nước này đã bị nghi ngờ giết hại 39 tù nhân không vũ trang và dân thường ở Afghanistan từ năm 2005 đến năm 2016, thu hút sự chỉ trích từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên xấu đi vào năm 2018 khi Úc trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm cửa Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia triển khai mạng 5G. Quan hệ trở nên tồi tệ hơn khi năm ngoái Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Bản thân Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng họ vận hành các trung tâm giam giữ. Hiện, chính quyền Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và các quốc gia phương Tây về các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Quốc gia này luôn phủ nhận cáo buộc lao động cưỡng bức và nói rằng các khu trại ở vùng cực tây đất nước là nơi đào tạo nghề và để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm