Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua
"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ", Xinhua dẫn lời phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.
Ông Hồng cũng chỉ trích những đề xuất trên của Mỹ "sẽ không giúp gì trong việc giải quyết hợp lý các tranh chấp hoặc đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
Ông Hồng nói thêm rằng Trung Quốc đã "cam kết lâu dài rằng sẽ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn với những nước trực tiếp liên quan".
Trước đó, hôm 17/3, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, phó đô đốc Robert Thomas, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thiết lập một lực lượng hàng hải để tuần tra chung những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
"Nếu các thành viên ASEAN muốn đi đầu trong hoạt động trên, hãy tin tôi, Hạm đội 7 Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ", ông Thomas nói trong một phiên họp với các chỉ huy hải quân.
Phó đô đốc hải quân Philippines Jesus C. Millan khẳng định nước này sẵn sàng ủng hộ đề xuất trên của ông Thomas.
"Chúng tôi có thể ủng hộ việc này nếu mục đích của nó là bảo vệ sự ổn định và tự do hàng hải trong nước và quốc tế", ông Milan nói và cho rằng cần thiết lập các khuôn khổ cho hoạt động tuần tra chung.
Trong khi đó, ông Hồng yêu cầu phía Mỹ "không đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm và thay vào đó tăng cường những hành động có lợi cho việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và cho hòa bình, ổn định khu vực".
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh và ASEAN đã đề xuất một sáng kiến chung trong đó bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông một cách độc lập trước các quốc gia khác.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và gần đây tăng tốc cải tạo đất trên nhiều bãi đá, bất chấp sự phản đối của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ hôm qua kêu gọi chính quyền phải có chiến lược "hành động cụ thể để làm chậm hoặc chấm dứt các hoạt động cải tạo của Trung Quốc". Họ cho rằng Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng ở quần đảo Trường Sa làm tăng tiềm năng mở rộng quân sự, không chỉ là "thách thức trực tiếp với Mỹ và các nước khu vực, mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế".
Theo Anh Ngọc (VNExpress)