Từ 1-4, hàng không đồng loạt tăng giá, phí

Từ ngày 1-4, cả ba hãng hàng không VietJet, Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đều có sự thay đổi chính sách về mức giá dịch vụ hàng không theo hướng tăng cao. Mức tăng này căn cứ theo Quyết định số 2345/2017 của Bộ GTVT về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Các hãng đều tăng vé trẻ em

Một đại diện truyền thông của hãng Vietnam Airlines xác nhận hãng đã tăng giá vé trẻ em lên mức 90% so với vé người lớn, thay vì 75% như trước đây. Mức tăng này tương đương 30.000- 400.000 đồng tùy chặng bay quốc nội. “Thực tế, không có quy định phân biệt giữa vé trẻ em và vé người lớn vì trẻ em vẫn ngồi một ghế như hành khách lớn tuổi. Chỉ trường hợp trẻ em dưới hai tuổi sẽ được tính bằng 10% vé người lớn” - vị này lý giải. Tương tự, hành khách là trẻ em đi máy bay VietJet sẽ phải trả thêm 165.000 đồng/chiều, hãng Jetstar là 209.000 đồng/em/chiều.

Trong khi đó, Jetstar Pacific áp dụng mức giá 209.000 đồng đối với trẻ em dưới hai tuổi trên chặng bay nội địa, trước đây là 150.000 đồng.

Ngoài ra, hãng VietJet tăng phí đổi tên từ 352.000 đồng lên 495.000 đồng/người/chiều đối với đường bay nội địa và từ 630.000 đồng lên 800.000 đồng/người/chiều đối với đường bay quốc tế. Phí đổi ngày bay quốc nội cũng tăng từ 352.000 đồng lên 374.000 đồng/người/chiều, phí đổi ngày bay quốc tế từ 670.000 đồng lên 800.000 đồng/người/chiều và cộng thêm chênh lệch giá vé. Mức phí dịch vụ chọn trước chỗ ngồi của VietJet cũng tăng từ 30.000 lên 50.000 đồng với chỗ ngồi thường, 40.000 lên 90.000 đồng với chỗ ngồi phía trước và 90.000 lên 150.000 đồng với chỗ ngồi đặc biệt. Các hãng hàng không còn lại cũng tăng ở mức xấp xỉ.

Từ ngày 1-4, các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé trẻ em. Ảnh: P.ĐIỀN

Cũng trong ngày 1-4, giá dịch vụ hành khách tại một số cảng hàng không được điều chỉnh tăng. Cụ thể, từ ngày 1-4 đến hết 30-6, khách bay nội địa tại các cảng hàng không nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài, Buôn Ma Thuột) sẽ phải nộp 85.000 đồng thay vì 80.000 đồng như trước đây. Mức giá dịch vụ này tại các cảng hàng không còn lại vẫn được giữ nguyên như cũ.

Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không với khách bay quốc nội áp dụng từ ngày 1-4 là 18.181 đồng/khách. Trước đó, mức giá này là 13.636 đồng/khách…

Lý do tăng các loại giá, phí hàng không? Tại sao lại tăng đồng loạt nhiều loại phí như vậy? Điều này có đồng nghĩa chất lượng phục vụ của các sân bay và các hãng tốt hơn…? Đó là những câu hỏi chúng tôi đặt ra với các hãng hàng không và lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức. 

Người dân, công ty du lịch bị ảnh hưởng

Anh Nguyễn Hòe, ngụ quận 12, TP.HCM, cho biết một năm anh có 3-4 chuyến bay về Nghệ An để lo công việc gia đình. Do giữa tháng 4 này ở quê có việc nên cuối tháng 3 anh tranh thủ đến đại lý đặt vé cho bốn người trong gia đình thì được biết sẽ phải trả thêm khá nhiều tiền so với trước đây. Do vậy, anh đang lưỡng lự tính toán lại phương tiện về quê.

“Mức tăng cũng không ít, cả gia đình bốn người đi máy bay tốn kém quá nên tôi đang tính đi tàu hỏa hoặc ô tô. Tuy mất thời gian hơn nhưng tiết kiệm được không ít tiền” - anh Hòe chia sẻ.

Tương tự, các công ty du lịch cũng đang đau đầu tính toán lại chi phí các tour sao cho vừa túi tiền khách hàng, lại không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của đơn vị. Bà Lưu Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty CP Thương mại Truyền thông và Du lịch Ngọc Việt, đánh giá mức tăng giá, phí hàng không như vậy là khá cao. Công ty đang buộc phải có những tính toán phù hợp: Hoặc tăng giá những tour vẫn đi bằng máy bay, hoặc một số tour thay vì chọn máy bay sẽ phải thay đổi đi bằng tàu hỏa hoặc ô tô.

“Công ty vừa phải thông báo một số tour đi miền Trung có nhiều người tham gia sẽ đi bằng tàu, thay vì đi máy bay như kế hoạch đã định trước. Đây là điều bất khả kháng vì chúng tôi không muốn tăng giá tour sẽ ảnh hưởng tới khách hàng” - bà Liên chia sẻ.

Đại diện một số đại lý bán vé máy bay cũng đánh giá mức tăng giá, phí hàng không khá cao có thể ảnh hưởng đến tâm lý chọn phương tiện đi lại của hành khách trong mùa cao điểm du lịch.

Tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài và nhận thấy các khoản phụ thu về thay đổi tên, thay đổi hành trình giờ bay, chuyến bay, hủy hành trình và bảo lưu tài khoản đối với quốc tế đều ở mức 800.000 đồng là khá cao.

Do làm kinh doanh nên trong mỗi chuyến đi tôi luôn tranh thủ gặp gỡ nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài. Do vậy có lúc không chủ động được thời gian và phải thay đổi giờ bay. Việc các hãng áp dụng mức phụ thu cao như vậy đã đánh trực tiếp vào túi tiền của hành khách khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn.

Chị NGÔ VI, phụ trách marketing cho một hãng thức ăn chăn nuôi tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm